A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU năm 2021 giảm do dịch Covid-19

Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất toàn cầu, chiếm 47,9% tổng trị giá nhập khẩu trên toàn thế giới. Tốc độ nhập khẩu cà phê của EU giai đoạn 2015 - 2020 tăng trưởng bình quân 0,3%/năm, đạt bình quân 14,6 tỷ USD/năm (theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế).

Như vậy, EU là thị trường xuất khẩu cà phê quan trọng đối với tất cả các nước sản xuất trên thế giới. EU cũng là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).  Việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào thị trường EU sẽ giúp ngành hàng tăng trưởng ổn định và khẳng định chỗ đứng vững trên thị trường thế giới. Ngay từ khi có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã đưa thuế đối với nhiều dòng sản phẩm cà phê của Việt Nam về 0%, tạo điều kiện giúp ngành hàng cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cộng với những khó khăn trong hoạt động logistics khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU trong 11 tháng năm 2021 giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá (do giá xuất khẩu tăng). 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê sang EU trong 11 tháng năm 2021 đạt xấp xỉ 509 nghìn tấn, trị giá 938,72 triệu USD, giảm 11,6% về lượng, nhưng tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường thành viên EU giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Đức, Hungary và Estonia tăng.

Việc ngành hàng cà phê Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng sang thị trường Đức trong năm 2021 được coi là khá thành công. Bởi Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Đức cũng là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất ở EU. Đức còn là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Trong khi đó, cà phê là một trong những hàng nông sản Đức phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngành công nghiệp rang cà phê của Đức rất lớn, phục vụ cả thị trường nội địa - lớn nhất ở châu Âu, và thị trường xuất khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Hungary trong 11 tháng năm 2021 tăng 536,7% về lượng và tăng 505,9% về trị giá, đạt xấp xỉ 1,6 nghìn tấn, trị giá 7,2 triệu USD ; Estonia tăng 387% về lượng và tăng 316,7% về trị giá, đạt 269 tấn, trị giá 563 nghìn USD. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê sang Hungary và Estonia đạt mức thấp, do đó, đây vẫn chỉ là thị trường tiềm năng đối với ngành hàng cà phê Việt Nam.

Cơ cấu chủng loại cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu tập trung chủ yếu ở chủng loại cà phê chưa rang, chưa khử caffein (mã HS 09011110), lượng xuất khẩu đạt xấp xỉ 482 nghìn tấn, trị giá 838 triệu USD trong 11 tháng năm 2021, giảm 12,8% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu nhiều chủng loại cà phê sang EU tăng, tuy nhiên trị giá xuất khẩu ở mức thấp, chưa đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng chung toàn ngành.

Nhìn chung, năm 2021 là một năm tương đối khó khăn đối với ngành hàng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU. Với kết quả xuất khẩu sang EU đạt được trong 11 tháng năm 2021, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU trong cả năm 2021 đạt 556 nghìn tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, giảm 7,9% về lượng, nhưng tăng 6,3% về trị giá so với năm 2020. Dự báo năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc trở lại. EVFTA sẽ giúp ngành hàng cà phê Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU. Tình trạng thiếu container vận chuyển và vấn đề chi phí logicstics năm 2022 nhiều khả năng sẽ không căng thẳng như năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa. Trong khi đó, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nhờ lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng. 

Theo số liệu của Eurostat, trong 9 tháng đầu năm 2021, EU nhập khẩu cà phê (mã HS090111; 090112; 090121; 090122; 090190) đạt 3,1 triệu tấn, trị giá 10,38 tỷ EUR (11,73 tỷ USD), tăng 1,2% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho EU, lượng đạt 785 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ EUR (1,81 tỷ USD), tăng 17,1% về lượng và tăng 15,6% về trị giá. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của EU tăng từ 30,61% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 36,15% trong 9 tháng đầu năm 2021. Ngược lại, EU giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, mức giảm 20,3% về lượng và giảm 20,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 413 nghìn tấn, trị giá 616 triệu EUR (697 triệu USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU giảm từ 23,69% trong 9 tháng đầu năm 2020 xuống 19,04% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Việt Nam và Brazil đều có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Do đó, cả hai nước đều được hưởng lợi về thuế suất thuế xuất khẩu cà phê vào EU. Mỗi một quốc gia cung cấp đóng vai trò khác nhau, nhằm vào một số phân khúc nhất định của ngành cà phê EU. Brazil là một nhà cung cấp lớn của cả hai chủng loại Robusta và Arabica, chiếm 71% là Arabica. Trong khi đó, Việt Nam tập trung sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta. Hiện nhu cầu của thị trường EU đối với các loại cà phê chế biến và cà phê chất lượng cao đang trong xu hướng tăng lên. Do đó, tiềm năng xuất khẩu cà phê sang EU rất lớn, nếu khai thác tốt nhu cầu thị trường và đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm.


Tác giả: An Bình

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website