A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU tăng cả lượng và kim ngạch

Năm 2021, ngành điều Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực kép do tình trạng thiếu nhân công diễn ra đã ảnh hưởng đến nhân lực sản xuất toàn ngành cộng với chi phí cước vận tải biển tăng cao và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển. Mặc dù vậy, ngành điều Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong năm 2021.

EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung toàn ngành. Thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam giảm về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7 - 12%. Việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch Covid-19 và biến động thị trường phức tạp, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn. Trước xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay, cùng với những lợi thế từ các FTA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, mở đường cho việc thiết lập chuỗi cung ứng mới với EU, thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2021 sang thị trường EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020 Mức tăng trưởng khả quan trên là nhờ nhu cầu hạt điều của EU tháng cuối năm đạt mức cao theo yếu tố chu kỳ, nhằm phục vụ kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh và đón chào năm mới.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU trong 11 tháng năm 2021 đạt xấp xỉ 122,5 nghìn tấn, trị giá 734,38 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Về cơ cấu thị trường : 11 tháng năm 2021, ngành điều Việt Nam xuất khẩu sang 23 thị trường thành viên EU. Trong đó, ngành điều đã khai thác tốt hai thị trường Hà Lan và Đức. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt 63,42 nghìn tấn, trị giá 345,71 triệu USD, tăng 12,3% về lượng, nhưng giảm 4,1% về trị giá. Tương tự, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Đức đạt 19,4 nghìn tấn, trị giá 122,64 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 6,2% về trị giá. Đức và Hà Lan hiện là những đầu mối thương mại quan trọng đối với hạt điều nhập khẩu để tái xuất. Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam cũng đã khai thác tốt các thị trường thành viên EU khác như: Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan. Đây đều là những thị trường tiêu thụ hạt điều tốt. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Phần Lan tăng 625,7% về lượng và tăng 629,6% về trị giá. Như vậy, ngành điều Việt Nam đã khá thành công khi khai thác tốt thị trường cửa ngõ như Hà Lan, Đức, đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường khác tại EU như Phần Lan, Ba Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Rumani, Bồ Đào Nha.

Cơ cấu chủng loại: Cơ cấu xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Liên minh châu Âu nhìn chung có sự biến động, bên cạnh tập trung xuất khẩu chủng loại hạt điều chính W320 và W240, ngành điều Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều có giá trị cao như hạt điều W180. Trong 11 tháng qua, hạt điều W320 là sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường EU, chiếm tới 60,6% tổng lượng và 67,8% tổng kim ngạch, đạt 74,23 nghìn tấn, trị giá 497,71 tỷ USD, tăng 9,9% về lượng, nhưng giảm 1,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hạt điều W320 được xuất khẩu sang hầu hết các thị trường thành viên EU. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều W320 sang EU trong 11 tháng năm 2021 đạt 6.705 USD/tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2020 (giai đoạn từ tháng 1 – tháng 10/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt điều W320 sang EU giảm 11,2%). Như vậy có thể thấy, giá xuất khẩu hạt điều W320 sang EU có xu hướng tăng trở lại. 11 tháng năm 2021, xuất khẩu nhiều chủng loại hạt điều sang EU tăng cao, gồm: Hạt điều W240, W180, DW, W210. Ngược lại, xuất khẩu một số chủng loại hạt điều WS/WB, W450, LP và SP giảm. Như vậy có thể thấy, ngành điều Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh những chủng loại hạt điều có giá trị gia tăng cao vào EU. Tuy nhiên, xuất khẩu chủng loại hạt điều W240, W180 ở mức thấp, mới ở dạng tiềm năng.

Với kết quả đạt được trong năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU đã có một năm khá thành công trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn trong khâu sản xuất, thông quan và giá cước phí tăng. Triển vọng xuất khẩu năm 2022 được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 15% về lượng và tăng 10% về trị giá so với năm 2021, đạt trên 155 nghìn tấn, trị giá 900 triệu USD. Nhận định trên dựa trên yếu tố cung - cầu, giá xuất khẩu có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2021. Theo số liệu của Eurostat, nhập khẩu hạt điều của EU trong quý III/2021 đạt 57,8 nghìn tấn, trị giá 346,96 triệu EUR, tăng 2,7% về lượng, nhưng giảm 1,5% về trị giá. Tính chung 9 tháng năm 2021, lượng nhập khẩu hạt điều của EU đạt 161,17 nghìn tấn, trị giá 955,79 triệu EUR, tăng 3,9% về lượng, nhưng giảm 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho EU. Trong quý III/2021, EU nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt trên 36 nghìn tấn, trị giá 211,4 triệu EUR, tăng 7,1% về lượng và tăng 5,0% về trị giá so với quý III/2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, EU nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 94,4 nghìn tấn, trị giá 520 triệu EUR, tăng 6,6% về lượng, nhưng giảm 3,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 73,4% trong 9 tháng năm 2020 lên 77,3% trong 9 tháng năm 2021. Ngược lại, EU giảm nhập khẩu hạt điều từ Ấn Độ, mức giảm 34,7% về lượng và giảm 40,2% về trị giá, đạt 8,65 nghìn tấn, trị giá 58,93 triệu EUR. Thị phần hạt điều của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối giảm từ 11,5% trong 9 tháng đầu năm 2020 xuống 7,4% trong 9 tháng đầu năm 2021. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dòng thuế suất thuế nhập khẩu hạt điều của EU từ Việt Nam về 0%. Đây là lợi thế giúp ngành điều Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào EU và mở rộng thêm thị phần tại không chỉ tại thị trường chính mà ngay cả đối với các thị trường ngách.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website