A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Việc tổ chức, tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, thiết lập các kênh phân phối đưa hàng Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến người tiêu dùng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đầu tư nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân.

Hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đa dạng kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất của tỉnh trao đổi, quảng bá, tìm hiểu các sản phẩm tiêu biểu có thương hiệu, có thế mạnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tìm kiếm những cơ hội hợp tác tiến tới ký kết, ghi nhớ liên kết giao thương. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp tổ chức và tham gia hàng loạt các hội chợ, triển lãm, tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

Có thể kể đến, hồi tháng 7 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp vơi Sở Công Thương Trà Vinh tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tại sự kiện này, 14 doanh nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền như nước mắm, mắm ruốc, tinh nghệ, nấm đông trùng hạ thảo, nấm, tiêu, hoài sơn... (Bà Rịa - Vũng Tàu). Kết thúc hội nghị đã có 6 hợp đồng nguyên tắc và 3 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được các đơn vị sản xuất, phân phối giữa 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Trà Vinh được ký kết.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh, hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm đặc trưng tỉnh Trà Vinh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, trao đổi thông tin và đưa ra các giải pháp gắn chặt mối liên kết giữa 3 nhà: nhà quản lý - nhà sản xuất - nhà phân phối để có kế hoạch hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới giữa các địa phương trong khu vực phía Nam.

Bên cạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục cập nhật thông tin các sự kiện tại website với mục đích giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; đồng thời, tăng cường kết nối cung, cầu để trao đổi, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng các tỉnh, thành lân cận.

Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh cũng phối hợp, triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện hỗ trợ kết nối các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh với các thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham dự hội nghị kết nối cung cầu với các nhà phân phối, tổ chức trưng bày sản phẩm…

Thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Cùng với việc tham gia các hoạt động kết nối giao thương, việc thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đầu tư.  Được biết, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...); tiếp tục duy trì, nhân rộng các điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 70 chợ, hơn 150 siêu thị, cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng bán lẻ đang hoạt động. Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh lượng hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90-95%. Ở kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng chiếm gần 100%. Từ đó thấy được, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mà chất lượng hàng Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Cùng với đó, tại các hệ thống phân phối như siêu thị Co.op Mart, GO! của tỉnh thường phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh tổ chức trình trưng bày, giới thiệu và kết nối giao thương hàng hóa của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh. Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại chương trình đều đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm OCOP… Các hệ thống phân phối cũng phối hợp với Sở, ban ngành tổ chức hàng loạt chương trình khuyến mãi như: giảm giá từ 5 đến 50%; tổ chức Chương trình tự hào hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, hải đảo…

Theo Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm. Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà sản xuất đã quan tâm xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Các sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu người dân, góp phần khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để hàng Việt vươn xa hơn, ngoài quan tâm đầu tư, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải chủ động thực hiện các giải pháp kinh doanh linh hoạt, đa dạng trên nhiều nền tảng để đảm bảo sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mở rộng thị trường.


Tác giả: Thu Phương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website