A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản phẩm nông sản, OCOP vào hệ thống siêu thị vẫn khó!

Việc đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị được coi là bước đi chiến lược nhằm mở rộng kênh tiêu thụ, giúp sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, doanh nghiệp và chủ thể OCOP, việc này vẫn còn gặp khó khăn.

Thống kê cho thấy, đến nay cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao.

Trong thời gian qua, các Tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ OCOP tại Big C, Hội chợ kết nối sản phẩm OCOP tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, Tuần lễ Quảng bá nông sản hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tại hệ thống Saigon Co.op…

Có thể thấy, bước đầu, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước. 

Tuy vậy, để mở rộng hơn thị phần tại kênh phân phối bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP. Bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Hơn nữa, bên cạnh yếu tố về quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản. Ngoài ra, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.

Hiện có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, bao gồm các sản phẩm rau má và trà hoa vàng, song theo bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, các sản phẩm này mặc dù được đánh giá cao về chất lượng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác, và quy trình kiểm soát chất lượng của siêu thị vẫn là một thách thức.

Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao – chia sẻ, hiện Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao (Mê Linh) có diện tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm. Mặc dù TP Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chơ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Trung bình từ 40 tấn/ngày, riêng vào thời kỳ tiêu thụ cao điểm vào các kỳ nghỉ lễ, tết có thể lên đến 400 tấn/ngày. Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển.

Do đó, ông Đua kiến nghị Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó hợp tác xã có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Với hơn 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, trong đó tiêu biểu là bánh sữa và sữa chua, bà Phan Uyên - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Sữa Con Bò Vàng – cũng chia sẻ, hiện nay, Con bò Vàng mới chỉ tiêu thụ qua các kênh cửa hàng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị. Nguyên nhân là muốn vào hệ thống siêu thị phải mất phí mở mã vạch và phải ký gửi hàng hoá thanh toán theo từng đợt.

Để thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP là vô cùng quan trọng. Người tiêu dùng cần hiểu rõ hơn về giá trị của các sản phẩm này cũng như những nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho hay cần thực hiện tốt các giải pháp kết nối, phát triển mở rộng thị trường. Cụ thể, Thành phố Hà Nội đã khai trương 105 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, tổ chức các sự kiện, hội chợ nhằm thúc đẩy giao thương và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải tiến quy trình sản xuất, thiết kế bao bì sản phẩm theo hướng hiện đại, bắt mắt để thu hút người tiêu dùng.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các chủ thể OCOP để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ về thủ tục hành chính và điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ và đồng lòng giữa các bên liên quan, sản phẩm OCOP mới thực sự chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ở góc độ nhà phân phối, bà Huỳnh Thị Phương Vân, Trưởng phòng Marketing Mega Maket cho hay, thời gian qua, siêu thị đã tạo điều kiện tối đa cho sản phẩm đặc trưng, nhất là cao điểm tiêu thụ hàng Tết đang đến gần. Qua đó,hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị. Ngoài việc phối hợp với các tỉnh thành triển khai tuần lễ hàng OCOP, để tiêu thụ hiệu quả, Mega Maket đã triển khai số hóa hoạt động mua bán, thông qua bán hàng online, livestream cũng như hỗ trợ nhà cung cấp OCOP chuẩn hóa mặt hàng trước khi lên kệ…

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông, để sản phẩm OCOP vào được kênh bán hàng này, buộc phải đáp ứng những yêu cầu về quy trình vào hàng, chất lượng và cả khâu thanh toán. Ngoài ra, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, các chủ thể OCOP bên cạnh tập trung vào đảm bảo chất lượng, sản lượng sản phẩm cũng cần chú trọng vào thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt, thu hút khách hàng, qua đó, người tiêu dùng có thể hiểu hơn về sản phẩm, tạo sự khác biệt với sản phẩm OCOP của vùng miền khác.


Tác giả: Thu Phương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website