A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố

Ngày 26/9, Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2024 được khai mạc tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Hướng đến chuỗi cung ứng xanh”, hội nghị năm nay có nhiều hoạt động đổi mới thiết thực, phong phú, thực tiễn đối với doanh nghiệp.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kích cầu tiêu dùng trong nước, ngành công thương đã tích cực kết nối để lưu thông, trao đổi hàng hoá trong nước; gỡ khó cho doanh nghiệp. Trong đó, Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2024 có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển kinh tế của TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đồng thời triển khai nhiệm vụ cung ứng hàng hoá thiết yếu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới; hoàn thiện sản xuất trong nước.

Qua nhiều năm triển khai thực hiện từ năm 2022 đến nay, hội nghị ngày càng mở rộng, hàng hoá dồi dào, doanh nghiệp tham gia càng đông đảo, tạo cơ hội cho bên mua - bên bán, góp phần hình thành chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó, hội nghị ngày càng đổi mới, triển khai các phương thức hiệu quả cao, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành; giúp doanh nghiệp tham gia tìm hiểu thị trường, tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao với giá cả hợp lý.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ triển khai công tác kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường TPHCM và các tỉnh thành.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố; các sở công thương trực thuộc trung ương và các doanh nghiệp cần tăng cường triển khai các giải pháp, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hàng hoá Việt Nam; đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối cung cầu; tập trung hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm bình chọn thương hiệu vàng, OCOP, nông sản đặc sản, ... đạt tiêu chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi cung ứng xanh.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng chú trọng phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hoá để đảm bảo tiêu chí mà chương trình đặt ra; kết hợp chặt chẽ triển khai kết nối cung cầu với chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường trong nước trước, trong và sau tết Nguyên đán sắp tới.

Thông tin thêm về hội nghị, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, TPHCM chọn chủ đề Hội nghị năm nay là “Kết nối trách nhiệm - Xây dựng chuỗi cung ứng xanh” với nội dung trọng tâm là nhìn lại kết quả sau 6 tháng triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá với mục tiêu nhằm thay đổi nhận thức từ sản xuất đến phân phối; với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; mở ra cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm” và ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Sau 12 năm tổ chức, Hội nghị Kết nối cung cầu năm 2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 700 gian hàng của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đi vào chiều sâu.

Bên cạnh không gian trưng bày của 700 gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, sự kiện còn có hoạt động kết nối trực tuyến với chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trên nền tảng TikTok với chủ đề “Mega Live hàng Việt - Sản phẩm OCOP tiêu biểu” từ 9 giờ đến 23 giờ ngày 26/9, thực hiện 19 phiên live được dẫn dắt bởi 20 nhà sáng tạo nội dung, quảng bá hơn 300 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành.

Các phiên live tập trung những sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, danh tiếng như yến đảo Cần Giờ, dừa sáp Trà Vinh, mật ong Gia Lai, ba khía đầm dơi Cà Mau, pate cột đèn Hải Phòng, cà phê Arabica Cầu Đất, sâm Thừa Thiên Huế, miến dong Tây Bắc, gạo ST25… nhằm đưa sản phẩm hàng Việt, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đến gần hơn với cộng đồng, đẩy mạnh kết nối giao thương sản phẩm, từ đó góp phần lan tỏa rộng rãi giá trị văn hóa vùng miền.

Bên cạnh đó, các tỉnh thành tham gia hội nghị cũng tổ chức các phiên livestream theo chuyên đề địa phương để giới thiệu những sản phẩm đặc sản, OCOP nổi bật của địa phương. Qua đó tạo nên một không khí mua sắm trực tuyến sôi động và đa dạng. Không chỉ có các tỉnh thành, nhiều doanh nghiệp sở hữu các sản phẩm OCOP độc đáo cũng đã tự đăng ký livestream để giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Nhờ đó, người xem có cơ hội khám phá và lựa chọn những sản phẩm OCOP chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa của từng vùng miền.

Ngoài ra, các hoạt động hướng dẫn khởi tạo gian hàng thương mại điện tử và tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại gian hàng, xuyên suốt thời gian diễn ra sự kiện.

Ban tổ chức cũng triển khai hoạt động kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Không chỉ dừng lại giai đoạn gặp gỡ giữa các bên, Sở Công Thương TPHCM còn tập trung giải pháp “sau kết nối”. Theo đó, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho… trong giai đoạn đầu.


Tác giả: Thu Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website