A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gốm Chu Đậu: Tự hào 400 năm tinh hoa gốm Việt

Trong danh mục gần 200 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, Gốm Chu Đậu là một trong những sản phẩm được xếp vào hàng tinh hoa bởi đã có lịch sử 400 năm hình thành, phát triển và chinh phục người tiêu dùng.

Gốm Chu Đậu là sản phẩm thương hiệu quốc gia thuộc dòng tinh hoa hàng Việt Nam

Tự hào làng gốm cổ ven sông

“Có Gốm Chu Đậu trong nhà – Như là có cả ông bà, tổ tiên” – câu nói ấy nói về sản phẩm gốm tại thôn Chu Đậu (huyện Nam Sách – tỉnh Hải Dương) – miền quê yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình, nơi có lũy tre, bờ đê, có giọng mẹ ru ầu ơ trong gió. Nơi đó còn có cả một làng gốm cổ với các sản phẩm nhiều năm liền được vinh danh Thương hiệu quốc gia và là quà tặng quý của Việt Nam giành tặng bạn bè trong các sự kiện ngoại giao quốc tế.

Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, được phát triển rực rỡ trong suốt thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc. Gốm Chu Đậu bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ 14, rực rỡ nhất vào thế kỷ 15, 16. 

Câu chuyện hình thành, phát triển, mất đi rồi lại đạt đỉnh vinh quang của gốm Chu Đậu kéo dài hàng thế kỷ. Bởi từng là một làng gốm nổi danh với những sản phẩm tinh xảo, làng gốm Chu Đậu đã từng bị gián đoạn gần 500 năm do chiến tranh, loạn lạc. Cho đến năm 1980, một người bạn quý nước ngoài - ông Makato Anabuki - nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray (Istanbul). Trên bình có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi Thị Hý bút”, tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), một người thợ gốm tên Bùi Thị Hý, người châu Nam Sách vẽ nên bình gốm này”.

Từ sự gặp gỡ đầy cơ duyên ấy, người bạn Nhật này đã nhờ chính quyền địa phương xác minh nguồn gốc của chiếc bình gốm, mở đầu cho hàng loạt các chương trình tìm kiếm, phục dựng gốm Chu Đậu sau này. Đến năm 2001, dưới sự giúp sức của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty CP Gốm Chu Đậu được thành lập với mục tiêu nghiên cứu, phục hồi lại chất men, kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng và sản xuất sản phẩm. Từ đó, làng nghề gốm Chu Đậu dần hồi sinh và phát triển.

Người làng kể rằng, nước sông chính là một trong những nguyên liệu tạo nên sản phẩm gốm nổi tiếng của Chu Đậu. Bởi chỉ khi dùng nước sông trộn cùng đất sét lấy từ vùng Trúc Thôn (thị xã Chí Linh - Hải Dương) hoặc cao lanh đất tổ Vua Hùng, tráng qua men từ tro trấu thóc nếp thì gốm Chu Đậu mới có được sắc men ngọc ngà đặc trưng không nơi nào có được.

Nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định (85 tuổi), người đã giành gần hết cuộc đời để gắn bó với đất nặn và men gốm chia sẻ, gốm Chu Đậu có đặc trưng là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt… được vẽ cách điệu. “Đặc biệt, gốm Chu Đậu có sắc men riêng không nơi nào có được. Ngoài sắc men trắng truyền thống còn có sắc men hơi ngả vàng hoặc hơi ngả xanh. Ví dụ, sắc xanh của men gốm Chu Đậu đậm dần từ thanh ngọc đến ngọc trung rồi đến ngọc già và được ví như “quá vũ thiên thai” - tức là sắc xanh trong sáng của bầu trời sau cơn mưa. Thấy được sắc xanh đó thì mới là đặc trưng của men gốm Chu Đậu” - nghệ nhân Hạ Bá Định phân tích.

Men gốm Chu Đậu được đánh giá là độc bản ở Việt Nam. Gốm Chu Đậu được tạo ra từ một lớp men vô cùng đặc biệt từ tro trấu. Người ta sẽ đốt vỏ của hạt lúa vàng (trấu) thành tro, sau đó chiết xuất thành men gốm. Điều đặc biệt là lớp men này hoàn toàn được làm từ tự nhiên nên rất an toàn khi sử dụng. Lớp men này đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là dòng men thiên nhiên độc bản Việt Nam. Bên cạnh đó, men gốm Chu Đậu cũng thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của Việt Nam khi nó được tạo ra từ cây lúa - hình ảnh biểu tượng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.

Mặc dù được làm từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, nhưng men gốm Chu Đậu lại vô cùng bền vững với thời gian. Trải qua 400 năm thất truyền, bị chôn sâu dưới lòng đất và dưới lòng biển ở Cù Lao Chàm, đối mặt với sự bào mòn của muối và các sinh vật biển, các cổ vật gốm Chu Đậu khi khai quật vẫn giữ được những hoa văn, họa tiết quan trọng. Điều này cho thấy độ bền ấn tượng của men gốm Chu Đậu.

Hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm gốm

Trải qua hơn 400 năm bị thất truyền, năm 2001, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã quyết định thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu nay là Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu tại thôn Chu Đậu nhằm phục dựng lại dòng gốm mỹ nghệ cao cấp thuần Việt và việc phát triển du lịch vùng nghề, làng nghề. Sản phẩm gốm Chu Đậu xưa và nay, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn đều được làm thủ công dưới đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm. Là một trong những sản phẩm biểu trưng cho văn hóa và tinh thần dân tộc, gốm Chu Đậu đã được vinh danh Thương hiệu quốc gia. Đồng thời, gốm Chu Đậu được người tiêu dùng ưa thích và là một trong những lựa chọn quà biếu hàng đầu trong các sự kiện ngoại giao mang tầm quốc gia.

Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, các sản phẩm và các ngành hàng trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam. Với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, Cục Xúc tiến thương mại triển khai nhiều giải pháp quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm như dành nguồn kinh phí cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm này. Đặc biệt là quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.

Ông Nguyễn Hữu Thức – Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu cho biết, thời gian qua, thông qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, gốm Chu Đậu đã được quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, lợi thế là của gốm Chu Đậu chính là đơn vị sản xuất trực tiếp, đảm bảo được chất lượng với giá thành hợp lý nhất. Nhờ đó, giúp sản phẩm gốm Chu Đậu được tiêu thụ tốt và được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng.

Gốm Chu Đậu đang phấn đấu để năm 2024 sản xuất khoảng 3 triệu sản phẩm, doanh thu tăng 10% so với năm 2023.


Tác giả: Thạch Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website