A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa đặc sản miền Tây tới tay người dân Sài Gòn

Ngoài trưng bày đặc sản đến lễ 2/9/2023, Tiền Giang - thủ phủ trái cây của miền Tây - mời gọi doanh nghiệp TP HCM tăng liên kết tiêu thụ nông sản.

Từ 29/8 đến 2/9/2023, hàng loạt đặc sản từ trái cây đến thực phẩm như sầu riêng, thanh long hay mắm tôm chà, bánh phồng tôm đồng loạt xuất hiện tại "Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc trưng của Tiền Giang" ở TP HCM.

Không chỉ giới thiệu ngắn hạn, tại hội nghị xúc tiến thương mại ngày 29/8, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đã ký loạt ghi nhớ hợp tác với TP HCM và hai nhà bán lẻ Co.opmart, Central Retails.

Những nỗ lực này nhằm mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của "thủ phủ trái cây" miền Tây.

Tiền Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 80.000 ha và sản lượng hàng năm trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi, sầu riêng Cai Lậy, trái sữa Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tỉnh hiện có diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên 15.000 ha, sản lượng khai thác hơn 360.000 tấn mỗi năm.

Các sản phẩm nông, thủy sản nơi đây đã có dấu ấn thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc tiêu thụ các loại hàng hóa nông sản của Tiền Giang còn gặp khó khăn do việc giới thiệu sản phẩm còn hạn chế.

Vì vậy, tỉnh này mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP và nông sản của tỉnh có cơ hội tiếp cận hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các kênh phân phối khác ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP HCM và các đối tác quốc tế.

Nửa đầu năm nay, GRDP Tiền Giang tăng trưởng 3,03% so với cùng kỳ 2022. Trong sản xuất và tiêu thụ nông - thủy sản, tỉnh định hướng ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kỳ vọng ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, sẽ không chỉ phục vụ phân khúc thị trường tại các kênh bán lẻ hiện đại, mà còn góp phần quảng bá thương hiệu, sản phẩm trái vải thiều đặc sản tới đông đảo người tiêu dùng, và người nông dân cũng sẽ không bị ép giá, thua thiệt.

Thời gian qua, Bộ Công Thương thường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có những vùng canh tác rất lớn để làm những sự kiện lớn như về xúc tiến thương mại, “mang” các hệ thống phân phối về để ký kết trong việc tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như là đi xuất khẩu; và các chương trình này đã thành công ngoài mong đợi với những trái như trái vải thiều để tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch thì đã chiếm đến 15% những sản phẩm có chứng nhận về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để đặc sản vùng miền, nhất là các loại trái cây ngày càng được ưa chuộng tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cần đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, tuân thủ áp dụng theo hướng dẫn tại Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, phải hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường


Tác giả: Anh Thư

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website