A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lần đầu tiên tổ chức Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may tại Việt Nam

Ngày 23/2, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may 2024 (VIATT 2024). Triển lãm sẽ được diễn ra từ ngày 28/2 đến ngày 1/3/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh, thu hút hơn 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trưng bày 500 gian hàng.

VIATT 2024 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam

VIATT 2024 là Triển lãm thương mại quốc tế mang tầm khu vực tại Việt Nam trong lĩnh vực chuyên ngành về sợi, vải và phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, công nghệ dệt và máy khâu do Bộ Công Thương chủ trì giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức.

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, VIATT là một sự kiện trong chuỗi Texpertise, mạng lưới kinh doanh dệt may toàn cầu của Messe Frankfurt, nhà tổ chức sự kiện dệt may hàng đầu trên thế giới. Mạng lưới này kết nối hơn 500.000 người tham gia từ khắp nơi trên thế giới tại 11 quốc gia, với hơn 50 hội chợ thương mại dệt may quốc tế.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết, năm 2023, sản xuất và xuất khẩu dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn: thách thức lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn… Với những khó khăn này, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2023 giảm hơn 9% so với năm 2022, đạt 40,324 tỷ USD. Tuy nhiên, với triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cũng như dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Đến nay, nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa vốn đã phát triển mạnh mẽ. Hơn nữa, việc là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA)… tiếp tục là những nền tảng tích cực cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.

Theo định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Ông Lê Hoàng Tài cho rằng, thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số, sử dụng nguyên liệu tái chế... Để làm được điều này, buộc các doanh nghiệp phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng suất tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng.

Bằng cách kết nối các công ty dệt may từ khắp Châu Á, Châu Âu…, VIATT 2024 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam” – ông Lê Hoàng Tài đánh giá và cho biết thêm, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Triển lãm được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Đồng thời khuyến khích các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Từ đó, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần thúc đấy ngành dệt may Việt Nam phát triển theo xu hướng xanh và bền vững trên thế giới.

Cũng tại buổi họp báo, bà Wendy Wen - Giám đốc điều hành, Công ty Messe Frankfurt Hồng Kông, Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) – cho rằng, hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới và còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Cùng với đó, ngày càng nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam, tham gia thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa vốn đã phát triển mạnh mẽ.

Cơ hội doanh nghiệp dệt may tìm kiếm đối tác, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo ban tổ chức, VIATT 2024 có quy mô trên 500 gian hàng trưng bày trên tổng diện tích 15.000 m2 của hơn 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Anh, Đức, Bun-ga-ry, Ý, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Indonexia, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc… Triển lãm sẽ có sự xuất hiện nổi bật của các khu gian hàng quốc gia/vùng lãnh thổ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Pakistan.

Đặc biệt, Khu gian hàng Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của Triển lãm, giới thiệu tới khách tham quan Việt Nam và quốc tế thế mạnh thương hiệu ngành dệt may của Việt Nam. Các ngành hàng trưng bày bao gồm: hàng may mặc; đồ dệt gia dụng; dệt may kỹ thuật và vải không dệt; công nghệ gia công dệt và in...

VIATT 2024 là dịp tốt để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp uy tín, thúc đẩy mối quan hệ giao thương, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần thúc đấy ngành dệt may Việt Nam phát triển theo xu hướng xanh và bền vững trên thế giới.

Tại VIATT 2024, các nhà trưng bày và nhà mua hàng có thể sử dụng dịch vụ kết nối kinh doanh toàn cầu của Hội chợ, nơi việc kết nối được thực hiện dựa trên nhu cầu cụ thể của mỗi bên. Ngoài chức năng chính là một diễn đàn giao dịch quốc tế, các sự kiện bên lề Hội chợ cũng sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia kết nối với các nhà lãnh đạo trong ngành và cung cấp những thông tin đa dạng về thị trường thông qua các hội thảo, diễn đàn và các phiên thảo luận.

Hơn 14 hội thảo chuyên đề cũng sẽ được tổ chức xuyên suốt thời gian của Triển lãm, nhằm giúp các doanh nghiệp tham dự cũng như khách tham quan trong ngành dệt may tiếp cận các thông tin cập nhật nhất trong ngành. Các hội thảo tập trung vào các chủ đề chính như: Thiết kế và các xu hướng, Chiến lược tiếp cận thị trường, Công nghệ dệt và vải không dệt, Các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, nhằm thu hút sự quan tâm của khách tham quan, Ban tổ chức dự kiến sẽ tổ chức các cuộc trình diễn thời trang với sàn diễn là các lối đi giữa các gian hàng trong Triển lãm. Các cuộc trình diễn này sẽ giới thiệu các xu hướng về thời trang bền vững tại Việt Nam và quốc tế, diễn ra vào ngày thứ nhất và thứ 2 (28/2 và 29/2) của Triển lãm.

Đồng thời, khách tham quan cũng sẽ được trải nghiệm kỹ thuật nhuộm tự nhiên và cách tái chế quần áo diễn ra ngay tại Triển lãm trong 02 ngày 28/2 và 29/2 của Triển lãm.


Tác giả: Thu Phương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website