A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bỏ túi những kinh nghiệm kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền

Mỗi lần đặt chân đến một vùng quê nào đó của Việt Nam, nhiều người sau đó “thèm thuồng” đặc sản của vùng đất mình đã qua như  hoa quả sấy Đà Lạt, các loại bánh Huế, lạp xưởng Cao Bằng, gạo Điện Biên, chè Thái Nguyên… Rồi, bà con miền xuôi muốn giới thiệu đặc sản vùng miền của mình lên miền núi và người lại, người dân bản địa ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc... lại muốn chuyển đặc sản quê mình về xuôi. 

Xuất phát từ thực tế như vậy, nhiều chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm ra đời để bất cứ ai, ở đâu đều có thể tiếp cận đặc sản vùng miền mình ưa thích. Hay nói cách khách, bạn ở Hà Nội vẫn có thể thưởng thức món thịt Trâu gác bếp Tây Bắc, cà phê sạch Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc,… hay những mặt hàng có tiếng tăm mà tại nơi ở của bạn không thể sản xuất được, hoặc chất lượng không bằng.

Một số kinh nghiệm dưới đây giúp các nhà sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng miền đơn giản mà hiệu quả khi kinh doanh đặc sản vùng miền:

Nghiên cứu kỹ thị trường: Đây là bước đầu tiên để bạn xác định mình sẽ bán cái gì. Nên bán sản phẩm độc, lạ, mới nhưng cũng cần lưu ý có những sản phẩm quá đặc trưng mà khách du lịch không thực sự thích hoặc tỉ lệ ưa thích chưa cao thì không nên chọn. Ví dụ khi nhớ tới Hà Giang người dân thường tìm hỏi thịt lợn, thịt trâu gác bếp trong khi một sản vật khác nổi tiếng không kém là bánh tam giác mạch lại chẳng mấy người muốn mua.

Ngoài ra, bạn cần đánh giã kỹ có bao nhiêu đối thủ trong khu vực đang bán cùng sản phẩm với bạn, giá cả thế nào, cách thức ra sao, có thể cạnh tranh được không là điều bạn phải biết để nắm được tình hình thị trường. Bên cạnh đó, việc phân tích đối tượng khách hàng có nhu cầu lớn về đặc sản gì, mức giá bao nhiêu, tiềm năng phát triển sản phẩm,… sẽ giúp chủ cửa hàng có cái nhìn tổng thể rằng thị trường đang cần gì và lựa chọn nên kinh doanh đặc sản vùng miền nào để cung cấp.

Bạn có thể sử dụng công cụ phân tích từ khóa (Google Keyword Planner) để phân tích xu hướng tìm kiếm hay nhu cầu sử dụng các đặc sản này: Ví dụ: Kiểm tra số lượng tìm kiếm của các từ khóa đặc sản đà lạt, đặc sản miền núi, đặc sản Tây Nguyên, đặc sản Miền Tây,.. số lượng người dùng tìm kiếm lớn đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng cao và đối thủ cạnh tranh cũng lớn. Việc chọn kênh bán hàng (trực tuyến, mở cửa hàng) cũng rất quan trọng. Ban đầu có thể chỉ bán số lượng ít, nhập nhỏ lẻ và dựa vào mối quan hệ cá nhân để giới thiệu như bạn bè, đồng nghiệp, kênh Facebook. Sau khi đã có một lượng khách ổn định, đầu tư mở rộng hơn về website, cửa hàng, gian hàng,…

Quan tâm đến khâu vận chuyển đặc sản vùng miền: Vấn đề rất đáng được quan tâm bởi tùy vào khoảng cách địa lý và loại hàng hóa mà cần có những biện pháp để vận chuyển an toàn nhất. Khi kinh doanh đặc sản vùng miền là thực phẩm, việc bảo quản vô cùng quan trọng để đảm bảo độ tươi ngon, hợp vệ sinh đến tay người tiêu dùng. Với những mặt hàng như hải sản phải được đông lạnh và di chuyển nhanh; mặt hàng trái cây phải được xếp cẩn thận tránh dập nát, lưu ý đến nhiệt độ khi di chuyển. Còn kinh doanh mặt hàng dễ vỡ như gốm, dễ móp méo như mây tre đan, dễ hư hại như đồ lưu niệm gỗ,… thì phải cẩn trọng khi bọc lót, sắp xếp, tránh rơi vỡ.

Chi phí vận chuyển cũng sẽ chiếm một khoản kha khá trong báo cáo kinh doanh, bạn phải cân nhắc con số này kĩ càng trước khi có quyết định buôn bán. Giả sử bạn ở Hà Nội muốn kinh doanh đặc sản Đà Lạt việc vận chuyển thực sự là một vấn đề lớn, bạn có thể cân nhắc các nguồn hàng nổi tiếng khác như kinh doanh đặc sản miền núi khu vực phía Bắc như thịt trâu gác bếp nổi tiếng, hạt dẻ rừng rang muối,... khu vực địa lý gần hơn giúp bạn tiết kiệm tiền vận chuyển và thời gian rất nhiều.

Đánh giá và dự phòng rủi ro: Rất nhiều chủ cửa hàng nhận phản hồi rằng đặc sản cửa hàng bán không ngon bằng, sản phẩm không giống/không hiệu quả bằng sản phẩm mua tại vùng miền gốc,… Dù chất lượng hàng hóa của bạn cũng nhập từ khu du lịch nhưng có thể do quá trình vận chuyển, do các yếu tố bên ngoài như quang cảnh, khí hậu, tâm trạng của khách hàng,… mà khiến việc trải nghiệm sản phẩm cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Để áp dụng với các cửa hàng hãy tạo không gian gợi nhắc đến vùng đất có những đặc sản để khách hàng có ấn tượng ngay từ đầu, còn với bán hàng trực tuyến nên tư vấn thật sâu thật kyz, chia sẻ điều mà chỉ người dân địa phương đó mới biết nhằm khẳng định nguồn gốc cho hàng hóa của mình. Ví dụ bạn kinh doanh đặc sản Tây Nguyên, đặc sản miền núi rừng hãy trang trí cửa hàng của bạn theo thiên hướng "rừng núi" một chút, sử dụng các họa tiết thổ cẩm như trang phục của người dân tộc, những hình ảnh đặc trưng của Tây Nguyên như cồng chiêng, rượu cần, hoặc nhân viên bán hàng mặc trang phục truyền thống của người dân Tây Nguyên chẳng hạn,...đây đều là những cách làm sáng tạo khiến khách hàng ghi nhớ cửa hàng hơn và giúp họ có trải nghiệm mua hàng tốt hơn.

 


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website