A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh, phòng vệ thương mại cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

Với mục tiêu triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đã được quy định tại Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo và kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, ngày 12/6/2024, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương)… tổ chức chương trình Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh, phòng vệ thương mại và các quy định khác có liên quan cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ảnh: Báo Công Thương

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, năm 2023 là năm chứng kiến chuỗi biến động bất thường trong lĩnh vực lương thực nói chung và thị trường gạo nói riêng trên toàn cầu. Thời tiết khắc nghiệt, xung đột địa chính trị, lạm phát, các biện pháp hạn chế xuất khẩu do một số quốc gia áp dụng là những yếu tố đã góp phần làm cho thị trường lương thực toàn cầu trong năm 2023 trở nên bất ổn và khó dự đoán hơn bao giờ hết, từ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cả và an ninh lương thực trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực. Cụ thể, nước ta đã xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, đạt trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với năm 2022.

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo nước ta còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga cũng chỉ ra một số hạn chế phải kể đến như chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, cập nhật thông tin về thị trường gạo thế giới, dự báo chính sách nhập khẩu gạo của các nước; chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vẫn còn hạn chế, thị trường gạo có dấu hiệu chưa bền vững, vẫn phụ thuộc một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia; công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng của ngành hàng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga bày tỏ hy vọng thông qua Hội nghị này, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh cùng với các quy định khác của pháp luật liên quan đến kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, nghiên cứu để ứng phó trước các nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản (bao gồm mặt hàng gạo) của Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi cung ứng gạo, phát triển thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững, ứng phó kịp thời với những biến động trong khu vực và thế giới.

Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Phòng vệ Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp tổng quan về các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh; thực tiễn và xu hướng điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững.

Cũng tại Hội nghị này, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã trình bày về một số điểm chính trong Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; quy định về tổ chức hậu kiểm điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; quy định về trách nhiệm của thương nhân.

Theo ông Trần Quốc Toản, Nghị định trên đã triển khai được 7 năm và tác động tích cực đến kinh doanh xuất khẩu gạo. Hơn nữa, Nghị định đã khuyến khích các thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo khi đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. 

Đáng lưu ý, số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay khoảng 158 thương nhân; năng lực kho chứa, xay, xát, chế biến gạo được cải thiện rõ rệt, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, góp phần giải quyết cơ bản một số bất cập, tồn tại trong việc thu mua, tiêu thụ, sơ chế, chế biến thóc gạo.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website