Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế - từ chủ trương đến thực hiện
Căn cứ văn kiện, tài liệu hướng dẫn về triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác học tập, quán triệt Nghị quyết; xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, đảm bảo thực hiện đúng định hướng của Đảng, bám sát nội dung, yêu cầu của Trung ương. Theo đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm hơn đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát của ngành; nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành đã tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân.
Cùng với việc tổ chức quán triệt Nghị quyết, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Theo đó, trong hơn 10 năm qua, Bộ đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành được 15 dự án Luật, 90 Nghị định và hơn 800 Thông tư, qua đó, đã hình thành được một khung khổ cơ bản các Bộ luật tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, doanh nhân ngành Công Thương; đảm bảo khung pháp lý ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp, hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và hệ thống doanh nhân là chủ doanh nghiệp ngày càng năng động, tự tin hội nhập với toàn cầu.
Việc cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nhân đã được Bộ Công Thương tập trung ưu tiên trong thời gian qua và đạt được nhiều kết quả tích cực, được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận với một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, về tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp
a) Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh: Nhằm thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, trong giai đoạn 2017-2020, Bộ Công Thương đã hoàn thành nhiệm vụ, đơn giản hóa 880/tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 72,37%), đưa Bộ Công Thương trở thành một trong những Bộ, ngành đi đầu cả nước về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh.
b) Về cắt giảm và đơn giản hóa các qui trình kiểm tra chuyên ngành: Cải cách hoạt động quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu là một trong những công tác trọng tâm của Bộ Công Thương. Đến nay, Bộ đã cắt giảm danh mục các mặt hàng thực hiện KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương tổng số là 1446/1891 mã HS, chiếm 76,5% số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương tính từ thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 và luôn là Bộ đi đầu trong công tác này. Qua Báo cáo của VCCI công bố ngày 15 tháng 7 năm 2021, Bộ Công Thương là Bộ đứng đầu trong các Bộ, ngành (chiếm 41,6%) về tỷ lệ doanh nghiệp gặp thuận lợi cao nhất về tuân thủ các thủ tục thuộc lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
c) Về cải cách hành chính và số hóa hoạt động cung cấp các thủ tục hành chính: Đến nay, tất cả 302 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên và 236 DVCTT mức độ 3, 4 với gần 41,000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn đề ra (trong năm 2021), là 1 trong 2 Bộ đầu tiên kết nối đến Cơ chế một cửa quốc gia về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với các nước trong khu vực. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Với kết quả đạt được Bộ Công Thương đã được VPCP ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước đối với việc kết nối Cổng DVCQG.
Thứ hai, về hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn
a) Về hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ: Các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp đã được Bộ xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành để tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện thị trường cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam đã từng bước được cải thiện, kết nối và từng bước được mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTAs đã ký kết. Đến nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm công nghiệp phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.
b) Về hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu: Công tác XTTM phát triển thị trường với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về XTTM luôn được Bộ Công Thương quan tâm triển khai nhằm góp phần thúc đẩy công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Theo đó, trung bình mỗi năm, Bộ Công Thương hỗ trợ khoảng 7.000 lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm củng cố, mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu.
c) Về hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển thương mại điện tử: Để định hướng phát triển thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai các Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, theo đó, các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử ; khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Kết quả là, thương mại điện tử phát triển mạnh và đang ngày càng trở thành một kênh phân phối quan trọng trong lĩnh vực thương mại trong nước. Quy mô thị trường thương mại điện tử tăng hơn 2 lần trong 5 năm qua (đạt 11,8 tỷ USD năm 2020), chiếm xấp xỉ 7% quy mô thị thị trường bán lẻ trong nước (cao nhất trong nhóm các nước ASEAN). TMĐT đã góp hiện đại hóa hệ thống phân phối của Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ thu hút đầu tư của nước ngoài và có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và trong nhóm 3 quốc gia hàng đầu của ASEAN với hơn 50% doanh nghiệp tham gia thị trường tham gia thương mại điện tử. Trong top 10 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập website trung bình cao nhất năm qua tại Đông Nam Á ghi nhận đến 5 doanh nghiệp nội địa Việt Nam gồm Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop.
d) Về tăng cường công tác quản lý cạnh tranh, phòng vệ thương mại để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân
- Về quản lý cạnh tranh: Bộ đã triển khai thực hiện các hoạt động điều tra tiền tố tụng liên quan tới hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi của cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào cạnh tranh khoảng trên 150 vụ việc; tiến hành điều tra hơn 200 vụ và ra quyết định xử phạt hơn 190 vụ đã điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh; thẩm định 155 hồ sơ vụ việc thông báo tập trung kinh tế…Theo đó, đã từng bước tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà luật pháp không cấm; xây dựng, thực thi đồng bộ, hiệu quả cơ chế hậu kiểm, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp, kiểm soát độc quyền kinh doanh.
- Về phòng vệ thương mại, bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước: Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc được hưởng mức thuế thấp (tôm, cá tra-basa, một số sản phẩm thép, ván gỗ MDF…), hỗ trợ doanh nghiệp ổn định thị trường, góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Ốt-xtrây-li-a Ca-na-đa...
Đối với thị trường trong nước: Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra, thực hiện áp thuế chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, thuế tự vệ đối với một số các sản phẩm nhập khẩu như kim loại (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất-chất dẻo, vật liệu xây dựng (ván MDF, kính nổi), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía, đường lỏng), phân bón… Nhờ việc áp dụng biện pháp PVTM hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước và doanh nghiệp nội địa đã được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Thứ ba, bồi dưỡng doanh nhân, nâng cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Hằng năm Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan hữu quan lựa chọn, tổng hợp và công bố Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín nhằm tôn vinh các doanh nghiệp và các doanh nhân là chủ doanh nghiệp có thành tích trong hoạt động xuất khẩu, có uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường và Danh sách các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị của Chương trình THQG là Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong để không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển doanh nghiệp.
Đây là những hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tinh thần doanh nghiệp Việt, tôn vinh sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong những nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo công bố báo cáo định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam và Top 50 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2022 của Brand Finance, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022 với giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 đã là 431 tỷ USD; trong đó, mức tăng trưởng giá trị thương hiệu của Top 100 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam rất cao là 36% (so với mức tăng trưởng ở Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, ở Ấn Độ là 16%, ở Malaysia là 10%, ở Trung Quốc là 6%, ở Nhật Bản là 5% và ở Thái Lan là 4%) với một số doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu mang thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…
Quá trình thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW luôn gắn liền với quá trình cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước nói chung và của ngành Công Thương nói riêng. Với những đổi mới, cải cách mạnh mẽ trong việc đưa tiếng nói của doanh nghiệp vào trong quá trình xây dựng thể chế, ngành Công Thương đã lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của doanh nghiệp, thực hiện tốt việc khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp tham gia vào kiến tạo và phát triển đất nước./.