A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ 18/4/2022 đến 24/4/2022

Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra tuần qua tại Hà Nội.

Hội nghị nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị đến các ban, bộ, ngành liên, địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tại điểm cầu Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Ban Cán sự Đảng – Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đảng ủy Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối từ điểm cầu chính. Hội nghị có sự tham dự của Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh; Ủy viên Ban cán sự Đảng – Bí thư Đảng ủy Bộ - Thứ trưởng Đặng Hoàng An; các đồng chí Ban Cán sự Đảng Bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ; các đồng chí Bí thư/Phó Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương…

Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2022 nhằm hưởng ứng Ngày Thương hiệu quốc gia 20/4. Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động triển khai Chương trình. Sự kiện được báo chí truyền thông chú ý và dư luận đánh giá rất cao.

Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 18/4/2022 đến ngày 24/4/2022 và gửi đến bạn đọc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Kỳ họp thứ 4 Uỷ ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Thái Lan

Theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác liên Bộ, ngành của Việt Nam sang tham dự Kỳ họp lần thứ 4 Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại (UBHHTM) Việt Nam – Thái Lan tổ chức ngày 20/4/2022 tại Băng Cốc, Thái Lan.

Thay mặt đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit, Bộ Thương mại Thái Lan có lời mời, dành sự tiếp đón trọng thị cho đoàn Việt Nam sang tham dự Kỳ họp lần thứ 4 UBHHTM giữa hai nước. Bộ trưởng nhấn mạnh Kỳ họp lần thứ tư được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa. Cả hai nước về cơ bản đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các hoạt động kinh tế, thương mại đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid. Hai nước cũng vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2021, hiện đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược tăng cường.

Trong lĩnh vực thương mại, hai Bên ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của kim ngạch song phương, Trong bối cảnh dịch bệnh và nhiều khó khăn, trao đổi thương mại năm 2021 vẫn đạt 18,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Hai Bên nhất trí cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, trong khi đó cần phải chú ý hơn tới các giải pháp phát triển thương mại theo hướng cân bằng hơn, cùng có lợi.

Chi tiết xem tại đây

Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện Quyết định 242 và giải bài toán nguồn cung xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất đánh giá: Thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã nỗ lực thực hiện theo trách nhiệm, thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục hồi nền kinh tế.

Chi tiết xem tại đây

Cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025

Ngày 19 tháng 4 năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025.

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3) do Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, chủ dự án là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Chương trình có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 60,29 triệu Cua ron Đan Mạch (tương đương 8,96 triệu đô la Mỹ). Mục tiêu tổng quát của Chương trình là hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp cho ngành năng lượng, góp phần cụ thể hóa cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nâng cao mục tiêu NDC và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025.

Chi tiết xem tại đây

Cùng ngày, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đã làm việc với đại diện Lãnh đạo hai Tập đoàn điện gió hàng đầu Đan Mạch là Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) và Vestas Wind Sytems. Hai Tập đoàn đã giới thiệu năng lực, đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và những thay đổi về mục tiêu điện gió tham vọng hơn của Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 và rất mong muốn được góp phần tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng này với những cam kết về nguồn lực, kinh nghiệm, vốn của mình.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An hoan nghênh sự quan tâm hợp tác từ phía hai Tập đoàn. Thứ trưởng nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn với đường bờ biển dài đồng thời có những cơ chế vô cùng thuận lợi và nhu cầu thị trường rất lớn. Theo dự thảo mới nhất của Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam, dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tỷ trọng điện gió chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong đó điện gió ngoài khơi là 4,8%.

Chi tiết xem tại đây

Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Bệ phóng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế

Ngày 20/4/2022 tại Hà Nội, Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương và Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các đối tác trong nước và quốc tế đã tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 và Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Đỗ Thắng Hải dự và phát biểu khai mạc sự kiện. Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam Đỗ Thắng Hải cho biết, Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 với chủ đề Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Nâng tầm vị thế - Chắp cánh bay xa được Bộ Công Thương tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức bình thường hóa các hoạt động kinh tế, hướng tới phục hồi kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ sau hai năm bị đứt gãy do ảnh hưởng đại dịch Covid 19.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm đánh giá với 03 trụ cột: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Chi tiết xem tại đây

Đảng ủy Bộ Công Thương dự Hội nghị toàn quốc về thực hiện Nghị quyết phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 22/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại điểm cầu Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Ban Cán sự Đảng – Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đảng ủy Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối từ điểm cầu chính. Hội nghị có sự tham dự của Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh; Ủy viên Ban cán sự Đảng – Bí thư Đảng ủy Bộ - Thứ trưởng Đặng Hoàng An; các đồng chí Ban Cán sự Đảng Bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ; các đồng chí Bí thư/Phó Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương; các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị, cán bộ chủ chốt của Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện, Công đoàn Công Thương Việt Nam, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà Xuất bản Công Thương, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Trung tâm Y tế, Môi trường lao động Công Thương, Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam…

Chi tiết xem tại đây

Thông tin điều hành xăng dầu ngày 21/4/2022

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít.

Kỳ điều hành lần này, để hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu và tiếp tục chi Quỹ BOG đối với dầu mazut để giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.

Chi tiết xem tại đây

Các hoạt động xúc tiến thương mại

Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia 2022 chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4

Hướng tới kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 năm 2022, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp triển khai Chương trình Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2022 từ ngày 18 đến ngày 24/4/2022.

Các hoạt động của Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 bao gồm chuỗi các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, quảng bá ngoài trời, treo pano, băng rôn chào mừng ngày Thương hiệu quốc gia 20/04. Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2022 và Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2022 theo hình thức hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) tại Hà Nội. Triển lãm sản phẩm THQG Việt Nam tại Hà Nội: Trưng bày sản phẩm bên lề Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022.

Chi tiết xem tại đây

Tăng độ “phủ sóng” của thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thương hiệu thế giới

Trong khuôn khổ Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 do Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương và Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các đối tác trong nước và quốc tế phối hợp tổ chức ngày 20/4, đã có phiên tọa đàm giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế để tập trung làm rõ hơn những ý tưởng để cộng đồng doanh nghiệp vận dụng trong câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt việc quảng bá thương hiệu thông qua hệ thống kiều bào và mạng lưới các Trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ.

Diễn đàn tập trung vào các vấn đề được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm liên quan đến việc tận dụng sự gia tăng về giá trị mới của Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam trên bản đồ thế giới 2 năm qua trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp và đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tiếp tục xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt một cách chuyên nghiệp.

Chi tiết xem tại đây

Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa

Ngày 20/4/2022 tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao (Đơn vị tổ chức: Cục XTTM và Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) và các đối tác trong nước, quốc tế tổ chức Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề: “Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa”.

Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 được Lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao đồng chủ trì. Tham dự diễn đàn năm nay có các chuyên gia quốc tế hàng đầu về thương hiệu sản phẩm – doanh nghiệp, đặc biệt diễn đàn có sự tham dự trực tuyến của hàng ngàn kiều bào là chủ doanh nghiệp, nhân sĩ, trí thức ở nước ngoài, thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực xây dựng và phát triển thương hiệu.

Chi tiết xem tại đây

Khởi động Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh”

Ngày 20/04 tại Hà Nội, dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh” đã chính thức khởi động. Dự án do Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KOICA triển khai thực hiện.

Hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh” diễn ra ngày 20/4/2022 có sự tham dự của đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với vai trò chủ trì. Hội thảo cũng có sự góp mặt của đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện các Sở Công Thương, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

Chi tiết xem tại đây

Tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ

Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ vào ngày 20/4/2022. Sự kiện sẽ diễn ra trực tiếp tại thành phố Hồ Chí Minh kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.

Tại Phiên tư vấn, ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ sẽ thông tin về tình hình quan hệ thương mại Việt Nam – Thuỵ Sỹ; giới thiệu tổng quan thị trường, vấn đề áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chế biến (từ nông sản, thực phẩm…) sang thị trường Thụy Sỹ. Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Thục, Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thuỵ Sỹ sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam các biện pháp, cách thức phù hợp để tiếp cận thị trường Thuỵ Sỹ đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Dự kiến, một doanh nghiệp người Việt tại Thuỵ Sỹ chuyên nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản cũng sẽ tham gia chia sẻ kinh nghiệm thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Phiên tư vấn.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam – Châu Phi 2022

Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khu vực Châu Phi vừa tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam – Châu Phi 2022.

Theo ông Hoàng Đức Nhuận, Thương vụ Việt Nam tại Algieria, các sản phẩm giày dép của Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. Hiện nay khả năng cung ứng trong nước của ngành công nghiệp giày dép Algieria đáp ứng khoảng 5% nhu cầu tiêu dùng, còn lại khoảng 95% vẫn phải nhập khẩu từ các nước khác. Trong khi nhập khẩu mặt hàng này của Algieria từ Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Chi tiết xem tại đây

Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức

Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Đức, ngày 21/4/2022, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Đức tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức.

Diễn giả, báo cáo viên của Phiên tư vấn bao gồm đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức, Lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội phát triển Kinh tế và Ngoại thương toàn cầu (BWA), Hiệp hội kinh tế vừa và nhỏ liên bang (BVMW) và đại diện một số các nhà nhập khẩu ở Đức. Đặc biệt, tại Phiên tư vấn, Tiến sỹ Rene Schäfer, Chuyên gia tư vấn luật quốc tế, Công ty Dornbach GmbH sẽ thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về Bộ phận thông tin Việt Nam tại Đức (Vietnam Desk), nơi cung cấp, chia sẻ nhiều thông tin giá trị hỗ trợ doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Đức phát triển các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam – EU 2022

Thực hiện Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022, nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường EU, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thành viên EU tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam – EU 2022 ngày 25- 26/04/2022.

Trong khuôn hội nghị, tại phiên toàn thể, các chuyên gia, đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số nước thành viên EU, các nhà nhập khẩu, kênh phân phối tại một số nước thành viên EU sẽ giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu thị trường đối với hàng thủy sản, các hàng rào kỹ thuật… đối với hàng thủy sản tại thị trường EU. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng sẽ thông tin về các cơ hội hợp tác kinh doanh thủy sản với Việt Nam tại hội nghị.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị trực tuyến “Quy định của Ấn Độ đối với thực phẩm nhập khẩu: Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói, nhãn mác và chứng nhận FSSAI”

Trong chuỗi chương trình giới thiệu về thị trường Ấn Độ do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức năm 2022, ngày 20/04/2022, Thương vụ phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức hội thảo với chủ đề: Quy định của Ấn Độ đối với thực phẩm nhập khẩu: tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói, nhãn mác và chứng nhận FSSAI (Food Safety and Standards Authority of India).

Ấn Độ quy định tương đối chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng thực phẩm tiêu dùng trong nước cũng như hàng nhập khẩu, trong đó quy định về tiêu chuẩn chất lượng, đóng gói, nhãn mác, đồng thời yêu cầu tất cả các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải có giấy chứng nhận FSSAI do cơ quan có thẩm quyền Ấn Độ, trước khi nhập khẩu vào Ấn Độ. Đây là những quy định buộc doanh nghiệp phải đáp ứng để hàng thực phẩm có thể thâm nhập vào hệ thống các siêu thị và các kênh phân phối tại Ấn Độ.

Chi tiết xem tại đây

Hội chợ Thực phẩm & Khách sạn Quốc tế (AAHAR) lần thứ 36

Hội chợ Thực phẩm & Khách sạn Quốc tế (AAHAR) lần thứ 36 được tổ chức bởi Tổ chức Xúc tiến Thương mại Ấn Độ (ITPO - India Trade Promotion Organisation) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ. Hội chợ sẽ chính thức mở cửa từ ngày 26 đến ngày 30/4/2022 tại Trung tâm triển lãm Pragati Maidan (New Delhi).

AAHAR là một trong những hội chợ hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm, thực phẩm chế biến, khách sạn và nhà hàng của châu Á. Triển lãm là điểm đến nổi tiếng của các nhà cung cấp toàn cầu và các chuyên gia để tìm kiếm nguồn cung ứng. Thị trường thực phẩm & hàng tạp hóa của Ấn Độ lớn thứ 6 trên thế giới. Ngành thực phẩm của Ấn Độ là một ngành có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng gia tăng giá trị lớn.  Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở Ấn Độ chiếm 32% tổng thị trường lương thực của cả nước và 14% GDP ngành sản xuất. Ước tính, lĩnh vực chế biến thực phẩm có tiềm năng thu hút 33 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 năm tới.

Chi tiết xem tại đây

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website