Tổng hợp hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần qua
Chiều 9/11, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã tiếp tục tham gia thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội trường Quốc hội và làm rõ một số nội dung mà đại biểu, cử tri quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Những quan tâm, đóng góp của Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đối với ngành thời gian qua là rất quý giá, chúng tôi chân thành cám ơn, trân trọng tiếp thu và hứa sẽ có giải pháp khắc phục kịp thời, phù hợp. Thời gian tới, ngành Công Thương mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ, động viên của Đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước để Ngành có cơ hội, điều kiện nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác của mình, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bộ trưởng cho biết, trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid 19, ngành Công Thương đã cùng các Bộ, ngành địa phương, cơ bản cung ứng kịp thời, khá đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, điện năng phục vụ sản xuất và đời sống người dân, ổn định giá cả hàng hóa; khai thác các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. Bộ Công Thương đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương trong nước và các Bộ, ngành đối tác nước ngoài xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu. Nhờ đó các doanh nghiệp có điều kiện khai thác, phát huy lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do, duy trì được thành quả xuất siêu…
Chi tiết xin vui lòng xem tại đây.
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây là một kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021; công tác phòng, chống dịch COVID-19, tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Quốc hội đã thống nhất rất cao thông qua các Nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 2.
Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được xem xét, quyết định theo tầm nhìn dài hạn, đồng thời phân bổ, sử dụng phù hợp, linh hoạt cho từng giai đoạn, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu cả trước mắt cũng như lâu dài.
Tại các phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Quốc hội, thuộc Đoàn đại biểu TP. Hải Phòng đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến được đại biểu, cử tri đánh giá cao.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương xin trân trọng điểm lại những hoạt động nổi bật của lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương trong tuần từ ngày 8-14/11/2021 để giới thiệu bạn đọc:
Coi trọng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 09/11/2021 với sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các đồng chí Thứ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung quán triệt, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2021 và những năm tiếp theo; phổ biến, tuyên truyền các lĩnh vực pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; thông tin về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính… góp phần xây dựng Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải
Các đồng chí Thứ trưởng cũng đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực cũng như kết quả đạt được của Vụ Pháp chế thời gian qua, đồng thời, động viên, giao nhiệm vụ trong thời gian tới. Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu công tác xây dựng pháp luật của Bộ tới đây cần tiếp tục quan tâm, hướng đến đối tượng doanh nghiệp và người dân nhiều hơn. Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã chia sẻ những khó khăn trong công tác xây dựng văn bản pháp luật của các cán bộ Vụ Pháp chế, đồng thời yêu cầu giảm thiểu tối đa các sai sót trong công tác xây dựng văn bản. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân hy vọng, không chỉ dừng lại ở riêng ngày 09/11 mà trong cả 365 ngày của năm, tinh thần của Ngày Pháp luật Việt Nam vẫn được lan toả rộng rãi.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Sáng ngày 10/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, thiết thực của các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập. Ý kiến của các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia trong thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả của công tác xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đặc biệt trong việc thể hiện và đáp ứng toàn diện các yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các ý kiến tại cuộc họp đã cơ bản đồng thuận với nội dung được thể hiện trong Dự thảo, đồng thời, gợi mở thêm nhiều nội dung để hoàn thiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, phù hợp với tình hình mới.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã tham gia cùng với các bộ, ngành tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh những nội dung liên quan đến việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, cụ thể, căn cứ để Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT dựa trên các văn bản như: Dự thảo Nghị định quy định thi hành Luật BVMT, Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và Thông tư quy định thi hành Luật BVMT.
Tại buổi làm việc, đại diện của Bộ Công Thương cũng đã đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và bổ sung theo hướng không chỉ lực lượng Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT mà cần bổ sung lực lượng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực BVMT công thương cũng có thẩm quyền này. Đồng thời, rà soát lại quy định về phân định các nội dung mà các lực lượng thuộc ngành Công Thương được phép xử lý vi phạm.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Ngoài ra, thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 63/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương vừa mới đây đã dự thảo Hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã phát đi thông báo lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Đồng hành với doanh nghiệp và người dân
Sáng 9/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, mục tiêu đặt ra cho 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, để trong vòng 5 năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, định hướng chiến lược của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính như hoàn thiện hệ thống pháp lý, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp, đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Ngày 10/11, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Giao thương trực tuyến “Kết nối Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc” trong khuôn khổ hoạt động của của Ban Korea Desk. Hội thảo đã thu hút gần 100 đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự trực tuyến.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc đồng hành cùng Việt Nam từng bước “Thích ứng An toàn” trước đại dịch.
Tại phiên giao thương trực tuyến, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Xúc tiến thương mại và KOTRA đã có 49 phiên giao thương giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và khu công nghiệp Việt Nam được tổ chức. Các khu công nghiệp tham gia đánh giá cao việc Ban tổ chức đã thu xếp các phòng giao thương trực tuyến riêng giúp các khu công nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí tiếp cận và quảng bá khu công nghiệp tới các nhà đầu tư. Trong đó một số khu công nghiệp đã tìm được các nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Cũng trong ngày ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cùng đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại tham dự Hội thảo trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội với chủ đề "Để mía không đắng".
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong suốt 25 năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân với mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời. Quan điểm của Bộ Công Thương là lập lại trật tự kinh doanh công bằng trên thị trường mía đường với 4 nhóm lợi ích hợp pháp: lợi ích của người dân trồng mía; lợi ích của các nhà máy đường; lợi ích của hàng vạn cơ sở sản xuất thực phẩm và thực phẩm chế biến đang sử dụng đường; lợi ích của hơn 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
“Chúng tôi đã và sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi pháp luật cho phép để hỗ trợ cho ngành mía đường Việt Nam” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Nhằm giúp người doanh nghiệp và người đẩy mạnh tiêu thụ các nông sản chủ lực của Bắc Giang tại thị trường nội địa, sáng ngày 11/11, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh này.
Phát biểu tại điểm cầu Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, với vai trò là cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường nông sản trong và ngoài nước hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp kết nối giao thương, phát triển sản phẩm, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nhằm đảm bảo việc lưu thông, xuất khẩu nông sản được thông suốt.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Chiều cùng ngày, Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng đã tổ chức làm việc trực tuyến với 10 Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp nhằm tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và những khó khăn cần tháo gỡ trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các vướng mắc trong quá trình áp dụng Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và các quy định, hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Tại buổi làm việc, các Hiệp hội ngành hàng đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động sớm triển khai bình thường trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng phục hồi nguồn cung lao động phục vụ sản xuất, từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg (cụ thể mức chi Quỹ BOG từng kỳ đối với từng loại xăng dầu theo phụ lục gửi kèm). Tại kỳ điều hành trong tuần vừa qua, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 758 đồng/lít đến 1.359 đồng/lít.
Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Thúc đẩy tiêu thụ, kích cầu mua sắm cho người dân
Tối ngày 10/11, lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2021 và khai mạc chương trình “Khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2021” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố tổ chức đã diễn ra tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ.
Các hoạt động, sự kiện khuyến mại trọng tâm sẽ được triển khai trong tháng 11 và tháng 12/2021 với quy mô 30 Trung tâm mua sắm tập trung và khoảng gần 2.000 Điểm bán hàng khuyến mại thuộc mọi thành phần kinh tế được hỗ trợ tham gia miễn phí và có thể áp dụng mức giảm giá trên 50% đến 100% khi nộp hồ sơ theo quy định tại Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Tại TP HCM, được sự chấp thuận của UBND Thành phố, Sở đã và đang phối hợp với các sở ngành tổ chức chương trình “Khuyến mại tập trung” từ ngày 15/11 đến ngày 31/12.
Theo đó chương trình sẽ hỗ trợ các cá nhân, tổ chức mới tham gia hoạt động kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối sẵn có sau mùa dịch và tiếp tục tạo nền tảng nâng cao hiệu quả thương mại, thúc đẩy tiêu dùng mua sắm, cùng người dân tiết kiệm chi tiêu qua những hoạt động khuyến mại với hạn mức khuyến mại tối đa.
Việc tổ chức các Chương trình khuyến mại tập trung tại Hà Nội và TP HCM được kỳ vọng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 9/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020.
Theo Quyết định, Bộ Công Thương có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc trung ương tổ chức cập nhật và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Chi tiết bài viết xem tại đây.
Trường Đại học Công nghiệp TP HCM khai giảng năm học 2021 - 2022
Sáng ngày 11/11/2021, Trường Đại học Công Nghiệp TP HCM (IUH) đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2021 – 2022. Lễ Khai giảng năm học 2021-2022 đặc biệt được tổ chức vào ngày kỷ niệm 65 năm thành lập Trường. Ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương ), ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) cũng đã tham dự buổi lễ.
Trong năm 2020, Trường Đại học Công Nghiệp TP HCM lần đầu tiên lọt TOP 5 bảng xếp hạng các trường Đại học ở Việt Nam theo Webometrics, TOP 601+ trường đại học tốt nhất khu vực châu Á năm 2020 và đứng thứ 10 trong các trường đại học tốt nhất Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds, Vương quốc Anh). Tháng 9 năm 2021, Nhà trường đạt chuẩn chất lượng QS Star 4 sao – 4 Stars với số điểm 684/500 do Tổ chức QS đánh giá và xếp hạng.
Năm học 2021 – 2022, Nhà trường có hơn 8.000 tân sinh viên nhập học, đạt 100% chỉ tiêu so với kế hoạch đặt ra với điểm chuẩn các ngành từ 18,5 - 26 điểm, chất lượng đầu vào được duy trì ổn định và nâng cao hơn qua mỗi năm học.
Chi tiết bài viết xem tại đây.