Cách nào gỡ các điểm nghẽn công nghiệp hỗ trợ?
Nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, giải bài toán thiếu vốn đầu tư, chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh toàn cầu… là những vấn đề, theo các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phải giải quyết nếu muốn là một mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dù những năm gần đây số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội đã tăng lên rất nhiều, trong đó có nhiều doanh nghiệp đạt mức quy mô tương đối lớn sau khi tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, chia sẻ với PV Tiền Phong, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý vẫn cần tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng phát triển nhanh hơn.
Theo bà Lan, với kinh nghiệm phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội hàng năm có các chương trình, kế hoạch cũng như các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho từng lĩnh vực cụ thể, trong đó tập trung cho 6 lĩnh vực ưu tiên thuộc đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Với việc kiên trì thực hiện, đến nay, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đã tăng lên cả về số lượng, quy mô, tập trung chủ yếu vào các nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử, sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày, sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.
Việc đẩy mạnh các cơ chế, chính sách cho công nghiệp hỗ trợ, theo bà Lan, sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp tự chủ trong cung ứng vật liệu, linh kiện phụ tùng, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp, giảm nhập siêu.
“Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng Chính phủ sẽ trình Quốc hội sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp với các chính sách cụ thể giúp thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành phát triển”, bà Lan nói.
'Trái ngọt' thành công chỉ đến nếu doanh nghiệp dám bước chân vào cuộc cạnh tranh toàn cầu với hàng loạt yêu cầu thay đổi khắt khe từ quản trị, sản xuất, chất lượng, giá và cả vốn đầu tư. Ảnh: Như Ý |
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, với các doanh nghiệp, tỉ lệ nội địa hóa được bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ mà doanh nghiệp tham gia đóng góp cho chuỗi giá trị.
Theo bà Hương, việc tham gia chuỗi giá trị, cùng đó là mở rộng quy mô sản xuất và thay đổi công nghệ, cách quản trị đem lại những bước ngoặt cho doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng khó thay thế trong chính chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI khi sản phẩm làm ra đáp ứng tất cả các yêu cầu và có giá thành cạnh tranh với các nhà cung ứng khác trên toàn cầu.
“Nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có khả năng cạnh tranh rất tốt ở trong nước cũng như xuất khẩu trong các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, linh kiện nhựa, săm lốp các loại. Chưa kể nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo có quy mô sản xuất lớn như Viettel, VinGroup, Trường Hải, Thành Công, giúp tạo nền tảng đưa các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là việc rất quan trọng nếu doanh nghiệp muốn gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng”, bà Hương chia sẻ.
Theo đại diện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp trong ngành đối diện không ít khó khăn. Trong đó, việc chuyển dịch sản xuất, quản trị, xác định hướng phát triển để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng các doanh nghiệp FDI là một câu hỏi khiến không ít doanh nghiệp ngần ngừ.
Câu chuyện về vốn, thay đổi cách quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, quy trình sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo khi sản xuất theo chuỗi cung ứng cũng là những đòi hỏi khiến không phải doanh nghiệp nào cũng đủ dũng cảm bước qua ranh giới để đầu tư chuyển hướng sản xuất.
Việc thiếu vốn đầu tư, mở rộng quy mô cũng là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đòi hỏi các cơ quan quản lý khi xây dựng và thực thi các chính sách cần tập trung gỡ các nút thắt để doanh nghiệp được tiếp sức vươn lên.
Bài toán cuối cùng, với phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chính là tăng cường năng lực đáp ứng về công nghệ và chất lượng sản phẩm đi kèm với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để bắt kịp những đòi hỏi về đơn hàng của doanh nghiệp FDI.