A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CPTPP: động lực thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - Chile

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 tại Châu Á của Chile, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Tại ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Chile và cũng là nước xuất khẩu lớn nhất vào Chile.

Trong số các thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chile là một trong những đối tác trước đó đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA) được ký kết ngày 11/11/2011 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Mặc dù vậy, việc thực thi Hiệp định CPTPP được đánh giá tạo nhiều cơ hội trong lĩnh vực đầu tư, do VCFTA chỉ đơn thuần về hàng hóa, không có các quy định về đầu tư. Mặt khác, những ưu đãi của CPTPP cũng tạo ra nguồn cung nguyên vật liệu chất lượng phục vụ các ngành sản xuất trong nước.

Theo thống kê của Hải quan Chile, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Chile 5 tháng đầu năm 2023 đạt 654,88 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Chile đạt 494,84 triệu USD, nhập khẩu từ Chile đạt 160,04 triệu USD.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng công nghệ, chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại di động đạt 175,11 triệu USD USD; máy vi tính và linh kiện đạt 19,75 triệu USD, Tivi đạt 5,93 triệu USD. Nhóm hàng máy móc, phụ tùng và linh kiện đạt 107,85 triệu USD, trong đó tủ lạnh và tủ đông đạt 3,19 triệu USD, máy phát điện đạt 441 nghìn USD. Giày dép các loại đạt 66,38 triệu USD, quần áo và phụ kiện đạt 31,45 triệu USD. Số sản phẩm khác như phân bón 18,37 triệu USD, xi măng 13,6 triệu USD. Nhóm hàng thực phẩm đạt 5,67 triệu USD, trong đó đồ hộp và đồ chế biến từ cá và hải sản đạt 1,26 triệu USD. Nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 triệu USD, trong đó lốp xe đạt 672 nghìn USD. Các sản phẩm lâm sản đạt 782 nghìn USD...

Các sản phẩm nhập khẩu chính từ Chile gồm: nhóm hàng hải sản đạt 63,85 triệu USD gồm: cá hồi đạt 55,48 triệu USD, bột cá đạt 3,1 triệu USD, mỡ và dầu cá đạt 2,9 triệu USD, nhuyễn thể đạt 1,05 triệu USD, cá jureles đạt 1,04 triệu USD, rong biển đạt 37 nghìn USD. Nhóm hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 17,76 triệu USD, xenlulo đạt 5,94 triệu USD. Nhóm hàng hoa quả đạt 13,7 triệu USD, trong đó nho đạt 6,8 triệu USD, quả cherry đạt 6,77 triệu USD; rượu vang đạt 1,26 triệu USD... Nhóm hàng khoáng sản đạt 40,97 triệu USD, trong đó nhập khẩu đồng đạt 32,5 triệu USD, Molybdenum đạt 5,2 triệu USD, i ốt đạt 1,52 triệu USD, lithium đạt 1,51 triệu USD.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 tại Châu Á của Chile, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Tại ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Chile và cũng là nước xuất khẩu lớn nhất vào Chile.

Về cơ hội phát triển thị trường trong thời gian tới, Chile có nhu cầu cao về các mặt hàng thiết yếu nhưng nhân lực sản xuất lại rơi vào tình trạng dân số già nên điều kiện phát triển còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống người dân Chile trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể dẫn đến sức mua khá cao. Do đó, cơ hội rất lớn cho các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường Chile chưa đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước EU và cũng chưa từng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2023, FDI của Chile vào Việt Nam chỉ có 4 dự án và tổng vốn đầu tư rất ít (400 nghìn USD). Còn theo thống kê của fDi Markets, Chile hiện có vốn đầu tư tích lũy từ năm 2003 đến 2022 tại Việt Nam đạt 35 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính.

Việc thực hiện CPTPP giúp mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ Chile vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo do năng lượng tái tạo ở Chile (điện gió, điện mặt trời) chiếm 40% tổng sản lượng điện toàn hệ thống, có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này. Chile cũng là một trong những nước tiên phong về hydro xanh. Theo ước tính của Chính phủ Chile vào năm 2021, 13% hydro xanh của thế giới có thể được sản xuất bằng năng lượng gió từ Magallanes và phần Nam Cực của Chile, tổng cộng 126 gigawatt.

Bà Sải Thị Thu Thủy - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Chile cho biết, bên cạnh xuất khẩu, thực hiện nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao, Thương vụ Việt Nam tại Chile đã đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối để đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước. Thương vụ đã kết nối các doanh nghiệp sản xuất nội thất Việt Nam với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Chile, hiện gỗ xẻ Chile chiếm 28% xuất khẩu Chile sang Việt Nam; tích cực kết nối các nhà xuất khẩu đồng Chile với Việt Nam, để cung cấp đồng cho ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính của ta, do Chile là nước xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới, xuất khẩu đồng chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của Chile. Thương vụ cũng đang tích cực triển khai kết nối mặt hàng Lithium - đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất pin cho xe điện và pin điện thoại, bởi Chile có thế mạnh là nhà sản xuất Lithium lớn thứ 2 trên thế giới.


Tác giả: Hà An

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website