Hiệp định EVFTA động lực giúp EU tăng cường đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam
Theo báo cáo về Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào đầu tháng 10/2023, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ khi có tới 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào Top 10 điểm đến FDI hàng đầu.
Đáng chú ý, hơn nữa, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó con số ấn tượng là 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Để củng cố hơn niềm tin này, hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc.
Thực tế vốn đầu tư của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã có sự tăng đáng kể từ 18 tỷ USD vào năm 2016 lên mức 28,91 tỷ USD vào năm 20213. Trong đó, Hà Lan dẫn đầu với 427 dự án và tổng vốn đầu tư 14,1 tỷ USD, bằng 49% vốn đầu tư của Liên minh châu Âu vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Hà Lan bao gồm các tên tuổi lớn như FrieslandCampina, De Heus, Unilever, Philips, AkzoNobel, Shell và Damen. Các nhà cung cấp Hà Lan, như công ty sản xuất chip ASML Holding, đã thăm Việt Nam để đánh giá khả năng thành lập các cơ sở sản xuất mới ở Đông Nam Á.
Pháp giữ vị trí tiếp theo với 3,8 tỷ USD tổng vốn đầu tư, trong đó Sanofi đã đầu tư mạnh mẽ trong ngành dược phẩm tại Việt Nam. Đức và Đan Mạch cũng đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam, với việc thúc đẩy các dự án sản xuất và đầu tư lớn. LEGO đã đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy sản xuất đồ chơi tại Việt Nam, mở đầu cho sự gia tăng đầu tư của các nhà sản xuất châu Âu khác vào thị trường này.
Tiêu điểm ngành công nghiệp Việt Nam năm 2023 do Savills công bố ngày 17/10 vừa qua cũng chỉ ra Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán thêm 3 FTA khác. Trong đó Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ năm 2020, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu.
Riêng với thị trường Mỹ, ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam - cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thì sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ thị trường này trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ gia tăng tích cực.
Đặc biệt, ông John Campbell cho biết tháng 9 cũng là thời điểm Apple công bố đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Cùng với đó, Google cũng cho biết Việt Nam nằm trong danh sách các thị trường tiềm năng được công ty này cân nhắc đầu tư tại Đông Nam Á trong thời gian tới.
Bên cạnh việc đánh giá cao thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ EU và Mỹ cũng chia sẻ một số trở ngại tồn tại, có thể làm giảm sức hút đầu tư. Những khó khăn này đến từ thủ tục hành chính, sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, rào cản trong việc xin giấy phép và các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực - giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài…
Một điểm quan trọng khác đó là sự bền vững đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại lớn khi biến các ưu tiên này ở Việt Nam thành hiện thực. Điều này đến từ sự không chắc chắn về quy định, lỗ hổng cơ sở hạ tầng…
Đặc biệt, với các doanh nghiệp của EU, hơn hai năm sau khi được triển khai, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đang tiếp tục có tác động tích cực mạnh mẽ đến bối cảnh kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức vẫn tồn tại. Sự khác biệt trong định giá hải quan đối với hàng nhập khẩu, thủ tục thông quan không rõ ràng và kéo dài, những trở ngại kỹ thuật đối với thương mại và sự không chắc chắn, thiếu rõ ràng liên quan đến hiệp định là những rào cản hạn chế hiệu quả đầy đủ của hiệp định.
Ông Ngô Chung Khanh cho rằng, trước hết, doanh nghiệp Việt Nam phải xác định hợp tác với EU là làm chuẩn, bài bản. Thứ hai là cần phải tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bởi vì những thương hiệu Made in EU là một bảo chứng về chất lượng. Thứ ba là cần phải chú ý nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải rất quan tâm đến phần truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ bởi vì sắp tới những quy định của EU như đạo luật chuỗi cung ứng sẽ là đạo luật bắt buộc đánh vào nhà nhập khẩu EU, trong đó các doanh nghiệp từ Việt Nam. Thứ tư là quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ để đảm bảo không có gì rò rỉ hay bị đánh cắp công nghệ. Cuối cùng là phải quan tâm đến lao động và môi trường, phát triển bền vững. Đây là điều cực kỳ quan trọng. Bởi vì Hiệp định EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững và không chỉ các doanh nghiệp EU hay là các cơ quan quản lý mà người tiêu dùng EU cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động, phát triển bền vững.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong tuần tới, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ trì một hội nghị lãnh đạo các Sở Công Thương trên toàn quốc để rà soát lại, đánh giá lại việc thực thi các hiệp định thương mại và đặc biệt chia sẻ các kinh nghiệm thành công trong việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp EU nói chia riêng sẽ được chia sẻ và từ đó các tỉnh học lẫn nhau để lan tỏa. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng, thị trường, từ đó, có hướng đi bài bản để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.