A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khả năng tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA của doanh nghiệp nội còn khiêm tốn

Trong báo cáo Chính phủ về thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) gửi Quốc hội mới đây cũng nêu lên nỗi lo về năng lực tận dụng EVFTA. Theo đó, Chính phủ đánh giá, sau 3 năm EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng trưởng tích cực nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ hiệp định đem lại vẫn thấp, chỉ gần 26%

Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm đa số trong tỷ trọng hàng có kim ngạch lớn xuất sang EU như da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất hàng dưới dạng thô, làm theo đơn đặt hàng gia công của nhà mua nước ngoài hoặc xuất khẩu nguyên liệu, hàng bán thành phẩm sang các nước khu vực EU. Nhiều doanh nghiệp mới tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng, khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật và vệ sinh an toàn của hàng xuất khẩu còn hạn chế.

Tận dụng ưu đãi thuế quan trong FTA còn hạn chế

Để tận dụng cơ hội cắt giảm thuế quan từ Hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu nhằm hưởng lợi thế về thuế quan. Điều này đặt doanh nghiệp Việt trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, việc này đặt ra thách thức với các doanh nghiệp nội địa khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan cao hơn. Muốn được hưởng ưu đãi từ hiệp định thương mại đã ký, các doanh nghiệp buộc phải chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Chưa kể, số lượng doanh nghiệp Việt xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang EU còn rất ít. Thực tế này cho thấy, việc định vị thương hiệu cho hàng “made in Vietnam” tại thị trường khó tính như EU chưa được doanh nghiệp quan tâm, đưa vào chiến lược phát triển.

Liên quan tới vấn đề tận dụng cơ hội từ xuất khẩu, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dẫn số liệu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân của nền kinh tế giai đoạn 2012-2022 là 13%; trong đó, doanh nghiệp trong nước tăng 7,7%; doanh nghiệp FDI tăng 17,4% (không kể dầu thô).

TS. Cung đánh giá, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của FDI tăng gần 10 điểm phần trăm cao hơn các doanh nghiệp trong nước. Kết quả, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước liên tục giảm từ 37% năm 2012 xuống còn 25,4% năm 2022; còn tỷ trọng của doanh nghiệp FDI tăng tương ứng từ 55,7 % lên hơn 74% trong cùng thời kỳ.

Thủy sản gỡ “thẻ vàng” để đón cơ hội từ EVFTA

Điều đáng lưu ý được chuyên gia Nguyễn Đình Cung chỉ ra là trong những năm có tác động bất lợi từ bên ngoài, tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước thường giảm nhanh và đạt thấp hơn so với doanh nghiệp FDI. Điều đó phần nào chứng tỏ sức chống chịu của doanh nghiệp trong nước thấp hơn so với FDI.

“Nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào xuất nhập khẩu FDI, điều này có thể làm giảm sức chống chịu của nền kinh tế và có thể làm giảm mức độ độc lập tự chủ của nền kinh tế”, ông Cung cảnh báo.

Trước thực trạng trên, Chính phủ cho biết sẽ giao các bộ ngành nghiên cứu chính sách tổng thể, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng nguồn nguyên liệu nội khối, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng hiệp định. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn thông qua các khoản vay tín dụng với lãi suất ưu đãi trong trường hợp muốn nâng cao năng lực sản xuất…

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các tổ chức tín dụng quốc tế (IFC, ADB, WB hay các nguồn tài chính hợp pháp khác) để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao từ thị trường EU.

Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp nước ngoài có thể mở rộng quy mô hoặc mở nhà máy mới, nhiều nhà đầu tư đến từ Châu Á, Mỹ... khi có văn phòng ở Châu Âu cũng xúc tiến xây dựng các nhà máy ở Việt Nam, và rõ ràng lượng sản phẩm chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu cũng tăng rất nhiều. Thậm chí, trước đây, phần nguyên liệu hầu như các doanh nghiệp ít đầu tư. Thế nhưng sau khi có EVFTA, các nhà đầu tư cũng tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, cạnh tranh với doanh nghiệp Việt. 

Với những cảnh báo trên, giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi quản lý, sáng tạo cách làm để tạo ra sản phẩm phù hợp, có thể cạnh tranh được với một thị trường mở.


Tác giả: Anh Hồng

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website