A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực thi Hiệp định RCEP: Nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc

Những năm qua, nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc từ các quốc gia trên thế giới là khá lớn. Hàn Quốc hiện nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản, cà-phê, gỗ, rau quả… Đây cũng là những mặt hàng được hưởng ưu đãi lớn từ Hiệp định RCEP.

Nông sản Việt được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trong 8 tháng/2024 là 16,83 tỷ USD, tăng 8,4%, tương ứng tăng 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trị giá nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 8 tháng/2024 đạt 36,78 tỷ USD, tăng 10%, tương ứng tăng 3,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Tiềm năng để phát triển thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc rất lớn. Các Hiệp định thương mại tự do song phương, trong đó có Hiệp định RCEP với những ưu đãi đã và đang góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, RCEP được đánh giá không có đột phá về cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các đối tác. Đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản.

Theo đó, những năm qua, nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc từ các quốc gia trên thế giới là khá lớn. Hàn Quốc hiện nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê, gỗ, rau quả…

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, những năm gần đây, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhất.

Năm 2023, lượng hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi đạt 12,2 tỷ USD, chiếm 52,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Các doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O ưu đãi như một công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan. 

Cụ thể, nhóm hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất gồm thủy sản (96,32%), tiếp đến là rau quả 91,18%, cà phê 94,54% và hạt tiêu 100%. Gỗ và sản phẩm gỗ (73,76%); giày dép và hàng dệt may có tỷ lệ gần 100%.

Chú ý những yêu cầu thị trường

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, mặc dù có những khởi sắc rất lớn trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc, nhưng ngoài những mặt hàng như thanh long, dừa gọt vỏ, dứa, chuối, ớt đông lạnh và xoài, vẫn còn nhiều sản phẩm có tiềm năng của Việt Nam vẫn đang đàm phán để bạn mở cửa như ớt tươi, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa…

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về kiểm dịch động, thực vật, hàng rào kỹ thuật với tiêu chuẩn chất lượng rất chặt chẽ.

Đơn cử, tháng 7/2023 vừa qua, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành thu hồi sản phẩm ớt có xuất xứ Việt Nam đang được bán tại thị trường Hàn Quốc với lý do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật “PLS” vượt ngưỡng cho phép khi kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm ớt đông lạnh (HS07096010) nhập khẩu từ Việt Nam.

Khối lượng thu hồi là 24 tấn ớt đỏ đông lạnh sản xuất năm 2022 được đóng gói trong bao 20kg, 01kg và 500g do một Công ty thương mại Hàn Quốc nhập khẩu từ một Công ty Việt Nam (MFDS cũng đã kiểm tra bổ sung các sản phẩm ớt đỏ khác của Việt Nam nhưng không có thêm trường hợp nào vi phạm).

Đối với loại ớt đóng gói 20kg và 500g tồn dư chất tricyclazole là 0,04mg/kg và ớt đóng gói 01kg mức tồn dư là 0,02mg/kg cao hơn mức quy định cho phép là dưới 0,01mg/kg.

Hoặc, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn cũng còn dư địa tại thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào. Bên cạnh đó, đa số công nghệ chế biến tinh bột sắn của Việt Nam còn thô sơ.

Do vậy Hiệp hội sắn Việt Nam cần nghiên cứu để nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhằm hạn chế những rủi ro trong xuất khẩu. Riêng mặt hàng rau quả, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Hàn Quốc cũng đang tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu các chủng loại hàng từ Việt Nam, bao gồm cả sản phẩm tươi và chế biến. Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu của thị trường này.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản nói chung cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Từ đó tận dụng các Hiệp định để chinh phục thị trường.

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng lưu ý, để bán được hàng sang Hàn Quốc, sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Đảm bảo được các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.


Tác giả: Lâm Nhi

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website