A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu hạt điều sang Anh: Những lưu ý về các cam kết liên quan trong UKVFTA

Để tận dụng Hiệp định UKVFTA, mở rộng thị phần tại thị trường Anh, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều cần nắm bắt, hiểu thông tin về các cam kết liên quan trong Hiệp định UKVFTA như các cam kết về thuế quan, quy tắc xuất xứ, chứng nhận xuất xứ, hay các cam kết liên quan đến SPS, các cam kết riêng cho Việt Nam về hỗ trợ kỹ thuật và hưởng linh hoạt về SPS, các cam kết về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT).

Những cam kết liên quan trong UKVFTA

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh, hạt điều luôn là một trong những ngành hàng chủ lực, đóng góp không nhỏ vào quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Trong cuốn “Cẩm nang xuất khẩu hạt điều sang thị trường Vương quốc Anh” do Bộ Công Thương biên soạn, về tỉ trọng hạt điều Việt Nam trong tổng nhập khẩu sản phẩm của Vương quốc Anh, có thể khẳng định Việt Nam là nhà cung ứng lớn nhất và không thể thay thế đối với cả hai chủng loại hạt điều tách vỏ và không tách vỏ tại thị trường bạn. Về khối lượng, tổng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam chiếm khoảng 70% tổng lượng nhập khẩu  của Vương quốc Anh; trong đó riêng năm 2022, con số này lên đến 90,8% trong năm 2023. Về giá trị, tổng nhập khẩu từ Việt Nam cũng chiếm trên 65% lượng nhập khẩu hạt điều hàng năm của Vương quốc Anh, trong đó riêng năm 2022, tỉ lệ này đạt 89,2%.

Hiện nay, theo cam kết về thuế quan trong UKVFTA, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ ngay thuế quan đối với mặt hàng hạt điều tươi của Việt Nam, bao gồm: hạt điều tươi hoặc khô, đã hoặc chưa bóc vỏ (HS 08013100, 08013200). Bên cạnh đó, các sản phẩm hạt đã chế biến, trong đó có hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam (mã HS 200819) cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.

Đối với quy định về Quy tắc xuất xứ trong UKVFTA tương tự với EVFTA. Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam theo Hiệp định UKVFTA cũng sẽ dùng chung mẫu C/O EUR.1 được quy định trong Hiệp định UKVFTA và Thông tư 02/2021/TT-BCT.

Đối với quy tắc cộng gộp, hai bên cam kết cơ chế cộng gộp xuất xứ mở rộng cho phép hàng hóa của hai bên được sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước thành viên EU (cũng như Công quốc Andorra và Cộng hòa San Marino) để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang nước bên kia và được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định UKVFTA. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành rà soát cơ chế này vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm hạt điều trong UKVFTA, đối với hạt điều đã hoặc chưa bóc vỏ, tiêu chí xuất xứ hàng hoá tại Hiệp định UKVFTA là xuất xứ thuần tuý, đồng thời trọng lượng đường không có xuất xứ được sử dụng không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Hiệp định UKVFTA quy định công đoạn tách vỏ hạt là công đoạn gia công đơn giản, sẽ không được tính đến khi xét xuất xứ của sản phẩm. Như vậy, trường hợp nhập khẩu hạt điều chưa bóc vỏ từ Cam-pu-chia về Việt Nam sau đó thực hiện bóc vỏ và xuất khẩu sang Vương quốc Anh thì hạt điều đã bóc vỏ này không được coi là có xuất xứ theo UKVFTA. Hạt điều đã hoặc chưa bóc vỏ đều phải có xuất xứ thuần tuý tại Việt Nam thì mới được coi là đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo UKVFTA.

Đối với hạt điều chế biến, Hiệp định UKVFTA cho phép sử dụng nguyên liệu hạt điều không có xuất xứ ngoài Vương quốc Anh và Việt Nam với điều kiện nguyên liệu đường không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất không vượt quá 20% trọng lượng của sản phẩm.

Liên quan đến cam kết về chứng nhận xuất xứ, theo UKVFTA, Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hoặc cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi thấy thích hợp, áp dụng đối với tất cả các hàng hóa, trong đó có mặt hàng hạt điều. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ là cơ chế mới với Việt Nam. So với cơ chế cấp giấy chứng nhận truyền thống, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ được đánh giá là thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm được thủ tục xin chứng nhận xuất xứ, từ đó giảm chi phí thời gian, tiền bạc, nhân lực cho thủ tục này.

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) UKVFTA có mẫu EUR.1 UK, theo quy định trong UKVFTA, mẫu này áp dụng chung cho cả hàng hóa xuất khẩu từ Vương quốc Anh và Việt Nam. Tuy nhiên, do Vương quốc Anh không áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất khẩu bởi cơ quan có thẩm quyền mà áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất khẩu bởi nhà xuất khẩu có đăng ký (vẫn áp dụng hệ thống REX (Registered Exporters System) sau khi rời EU), mẫu EUR.1 UK trên thực tế chỉ áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi Vương quốc Anh. Mẫu EUR.1 UK được quy định tại Phụ lục VI - Mẫu C/O mẫu EUR.1 đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam trong UKVFTA theo Thông tư 02/2021/TT-BCT. Thông tin khai báo trên mẫu EUR.1 UK được cho là đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

UKVFTA không có quy định cụ thể về thời điểm nộp C/O, mà cho phép từng Bên (Việt Nam/Vương quốc Anh) quy định phù hợp theo pháp luật của mình. Trên thực tế: Đối với hàng hóa Vương quốc Anh nhập khẩu vào Việt Nam: theo quy định hiện hành của Việt Nam (Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính), thời điểm nộp C/O của hàng hóa nhập khẩu từ một nước có thỏa thuận ưu đãi thuế quan với Việt Nam là tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, và có thể nộp muộn không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh: Vương quốc Anh cho phép nộp C/O cho cơ quan hải quan của Vương quốc Anh để hưởng ưu đãi thuế quan sau thời điểm nhập khẩu hàng hóa vào Vương quốc Anh. Theo thông tin từ phía EU thì thời hạn cho phép nộp sau này ít nhất là 2 năm.

Ngoài ra, trong UKVFTA, doanh nghiệp cần quan tâm đến các cam kết liên quan đến SPS, các cam kết riêng cho Việt Nam về hỗ trợ kỹ thuật và hưởng linh hoạt về SPS, các cam kết về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) để có định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường.

Lưu ý khi tận dụng hiệu quả UKVFTA

Với những thông tin về các cam kết liên quan trong UKVFTA, để được hưởng những ưu đãi, cũng như tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian đầu UKVFTA có hiệu lực, thuế quan ưu đãi của EU có thể cao hơn so với mức thuế mà Việt Nam đang được hưởng theo cơ chế GSP. Vương quốc Anh cho phép Việt Nam chuyển đổi từ GSP sang UKVFTA với lộ trình 7 năm. Cụ thể, trong 2 năm đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc từ UKVFTA. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể dựa vào ưu đãi từ hai cơ chế để lựa chọn mức thuế ưu đãi có lợi nhất dành cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, trường hợp lựa chọn mức thuế ưu đãi của cơ chế nào thì phải đáp ứng quy tắc xuất xứ của cơ chế đó. Doanh nghiệp lựa chọn mức thuế ưu đãi từ GSP thì hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong GSP, tương tự như vậy với Hiệp định UKVFTA. Về cơ chế chứng nhận xuất xứ ưu đãi, nếu nhà xuất khẩu Việt Nam muốn hàng xuất khẩu hưởng thuế suất ưu đãi UKVFTA thì phải chứng nhận xuất xứ theo C/O mẫu EUR.1 UK tại các đơn vị và tổ chức được ủy quyền cấp giấy chứng nhận này.

Nếu nhà xuất khẩu Việt Nam muốn hàng xuất khẩu hưởng thuế ưu đãi GSP thì phải chứng nhận xuất xứ theo cơ chế của GSP mà hiện tại đang chuyển sang hình thức tự chứng nhận xuất xứ bằng cách đăng ký mã số REX. Trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc từ UKVFTA. Tuy nhiên, dù áp dụng thuế ưu đãi theo cơ chế nào, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đều phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định UKVFTA. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh sẽ được hưởng thuế và áp dụng quy tắc xuất xứ hoàn toàn theo Hiệp định UKVFTA.

Đối với TBT, quy định về ghi nhãn đối với các loại thực phẩm như rau quả càng khắt khe và nhiều yêu cầu hơn nữa. Do đó, cùng với các quy định về ghi nhãn của Vương quốc Anh, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều cũng cần tìm hiểu các cam kết về nhóm biện pháp này trong UKVFTA để có chuẩn bị tuân thủ, tránh những rắc rối không cần thiết khi xuất khẩu, đồng thời có biện pháp xử lý, thông tin cho cơ quan Chính phủ để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp yêu cầu TBT về nhãn mác của phía nhập khẩu Vương quốc Anh vi phạm cam kết UKVFTA.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên cập nhật về những thay đổi trong quy định của Vương quốc Anh về ghi nhãn và đánh dấu đối với hàng hóa để kịp thời đáp ứng.


Tác giả: Thanh Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website