A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhập khẩu nhóm hàng nông sản của EU tăng 3,5 trong 9 tháng đầu năm 2021

Liên minh châu Âu (EU) hiện là khu vực thị trường nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới. Với dung lượng nhập khẩu hàng năm lớn, đa dạng về chủng loại, EU được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các nước xuất khẩu nông sản.

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 kéo theo nhu cầu tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng tại EU tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế EU được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, giúp nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tương đối ổn định. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản của EU từ các thị trường trên thế giới trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 93,22 tỷ EUR (105,34 tỷ USD), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Các mặt hàng nông sản thường được nhập khẩu trực tiếp vào Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ sau đó được bảo quản đông lạnh và vận chuyển đi các nước EU khác thông qua các công ty phân phối của EU. Do đó, quy mô nhập khẩu hàng nông sản của các thị trường trên rất lớn. Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, Đức nhập khẩu hàng nông sản đạt 21,62 tỷ EUR (24,43 tỷ USD), tăng 1,2%; tiếp theo là Pháp đạt 12,75 tỷ EUR (14,41 tỷ USD), tăng 2,9%; Hà Lan đạt 12,57 tỷ EUR (14,2 tỷ USD), tăng 2,8%; Bỉ đạt 7,48 tỷ EUR (8,45 tỷ USD), tăng 5,5%; Italy đạt 6,68 tỷ EUR (7,54 tỷ USD), tăng 3,5%. Đáng chú ý, tốc độ nhập khẩu hàng nông sản của một số thị trường thành viên EU tăng trưởng ở mức 2 con số gồm: Rumani, Hungary, Slovakia, Bungari, Luc-xăm-bua, Croatia.

9 tháng đầu năm 2021, cơ cấu nhóm hàng nông sản EU nhập khẩu tập trung chủ yếu là hàng rau quả, cà phê, gạo, cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Theo Eurostat, EU nhập khẩu nhóm hàng rau quả đạt 70,55 tỷ EUR (79,73 tỷ USD), tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng rau quả, EU tăng nhập khẩu sản phẩm rau củ (HS 07) và sản phẩm chế biến (HS 02), nhưng giảm nhập khẩu quả và quả hạch (HS 08 - không bao gồm hạt điều có mã HS 080131, 080132). Đáng chú ý, EU tăng mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp với mức tăng 34,7%, đạt 8,5 tỷ EUR (9,6 tỷ USD). Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hạt điều của EU giảm chủ yếu do giá ở mức thấp.

9 tháng đầu năm 2021, EU nhập khẩu hàng nông sản từ thị trường nội khối đạt 59,92 tỷ EUR (67,71 tỷ USD), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, EU nhập khẩu hàng nông sản chủ yếu từ các thị trường Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Bỉ. EU nhập khẩu hàng nông sản từ thị trường ngoại khối đạt 33,3 tỷ EUR (37,63 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, EU nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường ngoại khối gồm : Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Ma-rốc, Peru, Việt Nam. 

Theo Eurostat, EU nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam đạt 1,48 tỷ EUR (1,67 tỷ USD), giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hàng nông sản của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU giảm từ 1,74% trong 9 tháng đầu năm 2020 xuống 1,59% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Với quy mô thị trường lớn, gồm 27 nước thành viên, dân số trên 500 triệu dân, EU được coi là thị trường tiềm năng lớn về các mặt hàng nông sản như: Rau quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo, hạt tiêu, cao su. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, EU chủ yếu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp chưa qua chế biến, trong khi hàng hóa xuất khẩu từ Liên minh châu Âu chủ yếu là sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến. Như vậy có thể thấy, với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển, EU cần một lượng rất lớn sản phẩm nông nghiệp hàng năm. 

Đối với mặt hàng rau quả: EU là một thị trường có nhu cầu ổn định đối với hầu hết các loại trái cây tươi và rau củ. Nhu cầu tiêu thụ quanh năm và thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nhập khẩu. Bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây tốt cho sức khỏe như bơ, cam, việt quất của EU vẫn tăng. Xét về cơ cấu sản phẩm, EU tự cung tự cấp rau nhiều hơn so với trái cây tươi. Tuy nhiên, EU vẫn nhập khẩu từ các nước đang phát triển chủ yếu liên quan đến các loại rau trái mùa như cà chua, đậu và ớt, và một số loại rau nhiệt đới. 

Tại EU, Đức là thị trường tiêu thụ hàng rau quả lớn nhất, do đó, các công ty thương mại Hà Lan, cũng như các nhà sản xuất Tây Ban Nha và Italy, tập trung mạnh mẽ vào việc cung cấp cho thị trường Đức. 

Đối với mặt hàng hạt điều: Thị trường hạt điều EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định. Sự tăng trưởng này có thể được thúc đẩy bởi những thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân EU, bao gồm nhu cầu ngày càng tăng về các lựa chọn ăn vặt lành mạnh và các nguồn protein thực vật. Hà Lan đóng một vai trò quan trọng như một trung tâm thương mại ở châu Âu, vì khoảng 70% tổng lượng hạt điều nhập khẩu được tái xuất sang các nước châu Âu khác. Theo Hội đồng Quả khô và Quả khô Quốc tế (INC), Hà Lan là nước tiêu thụ hạt điều bình quân đầu người cao thứ 2 ở EU, sau Đức và Pháp. Mức tiêu thụ bình quân đầu người ở Hà Lan ước tính dao động trong khoảng 0,7 - 1,7 kg/năm. Trong khi Đức là điểm đến hàng đầu của Hà Lan trong tái xuất hạt điều, nhập khẩu từ 14 - 17 nghìn tấn mỗi năm, tiếp theo là thị trường Pháp. 

Đối với mặt hàng cà phê: EU một thị trường cà phê rộng lớn, chiếm khoảng 1/3 lượng tiêu thụ toàn cầu. Mặc dù tiêu thụ dự kiến sẽ ổn định trong dài hạn, nhưng EU vẫn hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu cà phê. Đặc biệt là thị trường cà phê đặc sản đang phát triển ở EU, mang đến những cơ hội cho các nhà xuất khẩu. Cà phê là một trong những thực phẩm thiết yếu tại EU, dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại nhà của người dân EU tăng. Đức và Tây Ban Nha là những quốc gia tiêu thụ cà phê hữu cơ và cà phê thông thường lớn nhất ở EU. Đức cũng là nước nhập khẩu cà phê hữu cơ lớn ở EU. 

Đối với mặt hàng gạo: Nhập khẩu gạo của EU ngày càng tăng, đặc biệt các giống gạo đặc sản ngày càng được ưa chuộng. Phần lớn nhu cầu ngày càng tăng đến từ Tây Bắc Châu Âu, nơi gạo không được sản xuất và tiêu thụ theo cách truyền thống. Nhu cầu tăng cao đối với thực phẩm lành mạnh và bền vững đang mở ra cơ hội cho gạo đặc sản được sản xuất hữu cơ.

Đối với mặt hàng hạt tiêu: EU là một trong những khu vực nhập khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới, nhưng phần lớn lại phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn cung hạt tiêu từ các nước đang phát triển cũng có nghĩa là hầu như tất cả thương mại nội khối EU bao gồm hàng tái xuất ban đầu đến từ các nước đang phát triển. Hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài EU đến từ các nước đang phát triển. 

Theo số liệu thống kê từ Eurostat, nhập khẩu hạt tiêu của EU đang tăng trở lại cả về giá trị và khối lượng. Xu hướng tăng nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới. Nhìn chung, EU là một thị trường mà bất kỳ nước xuất khẩu hàng nông sản nào cũng muốn thâm nhập sâu, rộng. Tuy nhiên, để hàng nông sản được nhập khẩu vào EU cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. EU là thị trường “khó tính” không chỉ đối với chất lượng sản phẩm mà thị trường còn áp dụng rất nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt và chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu. Các sản phẩm phải lưu ý đến sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo an toàn môi trường. 

Đối với mỗi mặt hàng, EU có những tiêu chuẩn riêng và có sự khác biệt trong những năm khác nhau. Bên cạnh đó, EU còn là thị trường có sự cạnh tranh gay gắt nên hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này phải có chất lượng sản phẩm cao, mẫu mã bao bì phải luôn được đổi mới, bắt mắt. Trình độ phát triển kinh tế xã hội của các thành viên là khá đồng đều cho nên người dân thuộc khối EU có đặc điểm chung về sở thích, thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng Châu Âu thường có sở thích và thói quen sử dụng các sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng thế giới vì họ cho rằng những nhãn hiệu nổi tiếng này gắn với chất lượng sảm phẩm và có uy tín lâu đời cho nên dùng những sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng sẽ rất an toàn về chất lượng và an tâm cho người sử dụng. Đây là thị trường có mức thu nhập khá cao, cái mà thị trường này cần đó là thương hiệu gắn với chất lượng chứ không phải chỉ là giá cả. 

Bên cạnh việc sử dụng thuế quan cho hàng nông sản thì EU còn sử dụng: Tiêu chuẩn thị trường chung CAP cho mọi sản phẩm tươi (chất lượng-bao bì-nhãn mác). Nếu được xét đủ 3 điều kiện này thì được cấp CAP và được vào EU. Đặc biệt cần lưu ý đến quá trình canh tác để đảm bảo các điều kiện của CAP. Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần giảm tối đa các dư lượng cho phép (thuốc trừ sâu, thuốc thú ý) để được vào EU. Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm định động thực vật (SPS) đưa ra các quy tắc cơ bản đối với các tiêu chuẩn an toàn của thực phẩm và sức khỏe vật nuôi cây trồng, được áp dụng riêng cho từng quốc gia và thống nhất trên thế giới trong khuôn khổ WTO. Thị hiếu tiêu dùng của người dân EU ngày càng ưa chuộng các loại thực phẩm lành mạnh. Vì vậy, để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU, sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng nói chung và các tiêu chuẩn quy định bởi Ủy ban châu Âu, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website