Thái Nguyên: Đẩy mạnh phát triển thương mại, tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng
Theo Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2021- 2025, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đạt khoảng 18,3%/năm, giá trị xuất khẩu tăng 10,56%/năm.
Nhằm đạt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm thương mại cấp vùng, trung tâm giao thương và kinh tế của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng bình quân 13%/năm; tạo sự đột phá trong phát triển thương mại trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình thương mại, trong đó chú trọng đến phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã ban hành 26 nghị quyết, kế hoạch, đề án, chương trình và các văn bản liên quan đến phát triển lĩnh vực thương mại trên địa bàn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức doanh nghiệp quản lý chợ, hợp tác xã chợ văn minh thương mại, chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt...
Thái Nguyên cũng quan tâm đầu tư, nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực nông thôn; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng nội địa, nhất là các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Chú trọng phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản địa phương, sản phẩm của bà con các dân tộc thiểu số, tiềm năng, lợi thế của địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Đáng chú ý, hiện có hơn 80% số sản phẩm OCOP toàn tỉnh là sản phẩm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Giá trị nhiều mặt hàng nông sản của bà con người dân tộc thiểu cũng có sự gia tăng, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị cao.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong phát triển thương mại của tỉnh Thái Nguyên là đa dạng kênh cung cấp, ứng dụng thương mại điện tử. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thực hiện phương thức giao dịch tiện lợi như đặt hàng, thanh toán qua mạng, qua điện thoại và giao hàng tận nhà.
Hiện nay, doanh số thương mại điện tử tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến của tỉnh chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram…) ngày càng được mở rộng. Tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt gần 30%; phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ này sẽ đạt 50%.
Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó khuyến khích các hộ kinh doanh là bà con dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh thúc đẩy thương mại; chỉ đạo các địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, phân bố hợp lý mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường.