A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trong tỉnh Lào Cai đã tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá sản phẩm, tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo trong, ngoài tỉnh và mở rộng hệ thống phân phối đưa hàng hoá thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng cả nước.

Nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Lào Cai được giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm thương mại

Đưa hàng hoá thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng

Lào Cai là một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP với 205 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm 3 sao với số lượng 100 chủ thể. Việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP là một giải pháp quan trọng nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế và phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Trong đó, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đang là địa phương dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh. Tính đến nay, toàn huyện Bảo Thắng đang có 39 sản phẩm OCOP được công nhận (còn thời hạn) của 22 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình. Các sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành hàng như: chè, quế, sản phẩm có múi, mật ong, đồ uống, dược liệu... trong đó, có 1 sản phẩm 4 sao (bưởi Múc xã Thái Niên). Trong 6 tháng đầu năm 2024, các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức rà soát, dự kiến có 15 sản phẩm mới tiềm năng, để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024. Đây là các sản phẩm đặc sản, truyền thống, có lợi thế của địa phương nhận được đánh giá và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.  

Có thể nói, chương trình OCOP ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đang từng bước trở thành động lực để phát triển kinh tế nông thôn. Do đó, nhận thức được trách nhiệm đối với việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong huyện Bảo Thắng đã chủ động tìm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm... để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với việc phát triển sản phẩm OCOP ở từng xã, huyện trong tỉnh, hiện, các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng, có thế mạnh của tỉnh ngày càng đến gần người tiêu dùng với đa dạng kênh phân phối. Tính đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 86/100 chủ thể OCOP đã tham gia kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử; 96% sản phẩm OCOP (196 sản phẩm) được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quản lý chuỗi nông sản an toàn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hệ thống để minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử được tỉnh duy trì hiệu quả.

Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của Lào Cai hiện có 8 trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được đặt ở những vị trí thuận lợi, thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm sản phẩm.

Đơn cử, gian hàng sản phẩm OCOP tại Bưu cục Cửa khẩu trưng bày 205 sản phẩm; trong đó, 130 sản phẩm có chứng nhận OCOP như mật ong núi đá, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy (Bảo Thắng); trà túi lọc atiso, nước tắm người Dao (Sa Pa); trà Ô long, tương ớt (Mường Khương); miến đao sâm (Bát Xát); chẩm chéo (Bảo Yên), gạo Séng cù, rượu… Với việc Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa chuỗi cửa hàng giới thiệu và phân phối sản phẩm OCOP vào hoạt động ngay tại khu vực biên giới được đánh giá là bước đầu để Bưu điện tỉnh phối hợp với các đối tác đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử buudien.vn trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của Lào Cai cũng đã được giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại như: giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; Hội chợ OCOP Quảng Ninh; tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng, miền tại TP.Hồ Chí Minh; Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai tại Hà Nội; Tuần hàng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tại Lào Cai…

Tăng cường xúc tiến thương mại

Song song với việc đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng, thế mạnh đến với người tiêu dùng qua các kênh truyền thống và thương mại điện tử, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan của tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá sản phẩm, tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 30/9/2024 công bố danh mục địa điểm và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2025.

Theo đó, dự kiến trong năm 2025, tỉnh Lào Cai sẽ có 23 hội chợ, triển lãm thương mại sẽ được tổ chức trên địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh năm 2025 gồm: Các sản phẩm cây, hoa, đồ mỹ nghệ, sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong và ngoài tỉnh; các sản phẩm đồ thủ công, sản phẩm vùng miền của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc; sản phẩm ẩm thực địa phương; sản phẩm du lịch; các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tiêu biểu; thương mại tổng hợp; nông, lâm, thủy hải sản; các sản phẩm hàng hoá nông sản đặc trưng của các quốc gia và các địa phương trong nước; nông sản và các sản phẩm từ nông nghiệp; điện tử; điện lạnh; hàng may mặc; đồ gia dụng, thiết bị phục vụ gia đình; đồ gỗ; gốm sứ; mây tre đan; trang thiết bị thể thao; đồ uống giải khát; đồ uống năng lượng - dinh dưỡng; y tế; khách sạn…

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 240 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Do đó, các hoạt động kết nối giao thương và xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP; hỗ trợ chuyển đổi số, quảng bá xúc tiến thương mại điện tử cho chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP sẽ ngày càng phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.


Tác giả: Nguyễn Hòa

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website