Kết nối giao thương, xúc tiến thương mại sản phẩm dừa Bến Tre
Tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp đủ mạnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị dừa, giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường là một trong những mục tiêu tỉnh Bến Tre đang hướng tới.
Gia tăng thương hiệu, kết nối thị trường
Cùng với việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh Bến Tre đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối các sản phẩm chủ lực vào các kênh phân phối hiện đại, các chuỗi cửa hàng, gắn kết với hoạt động du lịch để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách thuận tiện nhất, trong đó có sản phẩm dừa Bến Tre.
Dừa là cây trồng truyền thống của Bến Tre, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã tiêu thụ khoảng 85,7% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2,4 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm từ dừa. Các sản phẩm dừa của Bến Tre hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị sản xuất, chế biến dừa năm 2023 đạt 3,75 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu dừa năm 2023 đạt 420 triệu USD, chiếm 27,45% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Nhằm gia tăng thương hiệu và kết nối thị trường trong nước, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện các chủ trương, trong đó, địa phương đã tập trung xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm dừa ngày càng mở rộng, mô hình sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ ngày càng phát triển. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến năm 2024, diện tích dừa của tỉnh Bến Tre đạt gần 80 nghìn ha, chiếm khoảng 42% diện tích dừa cả nước và khoảng 88% diện tích dừa vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng khoảng 708 triệu trái. Toàn tỉnh có trên 9,7 nghìn cây dừa mẹ được bình tuyển và công nhận.
Hiện tỉnh Bến Tre có 32 tổ hợp tác và 34 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị với gần 7000 thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 20,4 nghìn ha (chiếm khoảng 25% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích đạt chứng nhận là 13 nghìn ha theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại
Theo Hiệp hội dừa châu Á - Thái Bình Dương, xu thế sử dụng sản phẩm chế biến từ dừa đến 2025 tăng 10%, mặc dù diện tích và sản lượng dừa của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước trên thế giới - đứng thứ 7/10 các nước sản xuất dừa lớn nhất thế giới năm 2022 với diện tích chiếm khoảng 1,6% và sản lượng chiếm 3,1% - nhưng vẫn có nhiều tiềm năng để nâng cao khối lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, các mục tiêu phát triển ngành dừa của tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 đã cơ bản hoàn thành. Trong giai đoạn 2026 - 2030, địa phương sẽ tiếp tục phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80 nghìn ha, trong đó có 25 nghìn ha dừa hữu cơ và 6 nghìn ha dừa được cấp mã số vùng trồng.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bến Tre đang tập trung sắp xếp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng chất lượng và chuyên môn hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và tăng cường khả năng cạnh tranh. Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, gắn với truy xuất nguồn gốc trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững và xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ tham gia tốt vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa ngành nông nghiệp và du lịch thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch, các không gian phát triển vườn dừa gắn với hoạt động du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước xứ dừa Bến Tre” không ngừng phát triển.
Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp đủ mạnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị dừa, giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường. Bắt nhịp với xu hướng công nghệ, tháng 5/2024 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức lớp tập huấn thương mại điện tử cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre với chủ đề “Kỹ năng kinh doanh và ứng dụng các công cụ, giải pháp hiệu quả trong thương mại điện tử”.
Ông Nguyễn Văn Niệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, thông qua lớp tập huấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cung cấp nhiều thông tin quan trọng về thương mại điện tử. Đồng thời, phổ biến pháp luật trong thương mại điện tử, các hành vi vi phạm và quy định về thủ tục đăng ký, thông báo; phương thức livestream trên các nền tảng và các bước chuẩn bị cho livestream bán hàng. Giới thiệu một số nền tảng, giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Các kỹ năng tiếp cận khách hàng trên livestream; xây dựng chiến lược livestream bán hàng; các nội dung chuyên sâu để tạo ra doanh thu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI), các ứng dụng trong công việc và thương mại điện tử…
Ngoài ra, với khả năng hấp thu CO2 của cây dừa, tỉnh Bến Tre cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị tham gia một số chương trình khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu Net Zero, đóng góp vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về phát triển bền vững.