Ứng dụng công nghệ trong xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp
Việc ứng dụng công nghệ trong xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp nhỏ cùng nhiều hộ sản xuất kinh doanh được xem là xu thế tất yếu cần phải thay đổi để phát triển trong thời đại công nghệ chuyển đổi số.
Xúc tiến thương mại từ sớm và từ xa
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ luôn là ưu tiên của Bộ Công Thương. Do đó, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và đơn vị liên quan tập trung triển khai phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, đảm bảo hai nguyên tắc từ sớm và từ xa.
Theo đó, Cục đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương, hiệp hội ngành hàng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản nhiều tháng trước mùa vụ. Cùng đó, coi thị trường trong nước là nền tảng song song với duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Song song đó, đẩy mạnh kết nối giao thương theo nhóm sản phẩm mà nhiều địa phương cùng cung ứng như trái vải và nhãn; các loại quả có múi; xoài; thanh long… và nhóm thị trường kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử.
Cũng theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, để hỗ trợ các địa phương, HTX tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn nữa, Bộ Công Thương sẽ tập trung xúc tiến cho từng nhóm sản phẩm, tổ chức và vận động địa phương tham gia tổ chức xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng/miền, quy mô lớn.
Mặt khác, duy trì phát triển thị trường Trung Quốc, không chỉ vùng giáp biên giới mà tiếp cận tỉnh/thành sâu trong nội địa phía Bắc và Tây còn nhiều dư địa để khai thác. Điều này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Trung Quốc bài bản hơn, qua đó chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch, xây dựng kế hoạch xuất khẩu bền vững.
Cùng với việc mở rộng thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu mở cửa thị trường nông sản mới tại thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Ngoài ra, cạnh tranh bằng chất lượng ngay trên thị trường ASEAN như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia...
Đáng chú ý, Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, nội địa vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng với nông sản. Do vậy, việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước không những góp phần tăng vị thế của nông sản, doanh nghiệp Việt mà còn tạo đà vươn ra thị trường nước ngoài.
Ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ
Cùng với các giải pháp trên, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp, tổ chức nhiều buổi tập huấn các kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại qua các nền tảng thương mại điện tử cho nhiều tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ các HTX, các hộ sản xuất các kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến; cùng với đó, là các kỹ năng bán hàng hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Điển hình, Sơn La là vựa cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, lớn thứ 2 cả nước với trên 84.700ha cây ăn quả, sản lượng trái cây hàng trăm nghìn tấn quả mỗi năm; có 281 mã số vùng trồng đã được cấp và xuất khẩu sang thị trường các nước Úc, Mỹ, Trung Quốc, EU... Trong đó, nhiều loại trái cây chủ lực nổi tiếng, như xoài tròn Yên Châu, Mận hậu Sơn La, nhãn Sông Mã, na Mai Sơn. Thời vụ thu hoạch các loại trái cây của Sơn La bắt đầu từ tháng 4 kéo dài đến tháng 11 dương lịch hằng năm.
Do vậy, để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Sơn La, ngày 20/4 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với địa phương tổ chức “Khóa Tập huấn Kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã”. Tại Khóa tập huấn, 50 doanh nghiệp, hợp tác xã được các chuyên gia của Cục Xúc tiến thương mại và nền tảng mạng xã hội Tiktok Việt Nam trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ triển khai các hoạt động bán hàng trên nền tảng số từ khâu chuẩn bị, tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức gói bọc, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm và truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream...
Đại diện hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết, kể từ khi áp dụng thương mại điện tử vào quá trình quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản, hợp tác xã đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, phát triển thêm một số nhà phân phối; đưa được hàng hóa vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, như: AEON MALL, hệ thống cửa hàng Kingfood, BigC Sài Gòn...
“Việc áp dụng thương mại điện tử, cũng như ứng dụng công nghệ vào công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm giúp hợp tác xã rút ngắn được thời gian kết nối với thị trường, người tiêu dùng, đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi. Đặc biệt, công nghệ hay thương mại điện tử mang đến cho hợp tác xã, cơ sơ sản xuất nông sản những cơ hội thị trường mới thông qua các cách tiếp cận mới và hiện đại”, nhiều đại diện hợp tác xã tham gia buổi tập huấn tại Sơn La cùng chia sẻ.
Tương tự tại Quảng Bình, đầu tháng 6/2023 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình và nền tảng mạng xã hội Tiktok tổ chức “Khoá tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã”. Khóa tập huấn thu hút 60 học viên đại diện cho 40 doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại trong tỉnh.
Khóa tập huấn đã hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, góp phần nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh và máy vi tính, cách thức tham gia thị trường thương mại điện tử và các công cụ như tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), tiếp thị trực tuyến (marketing online)... giúp HTX, doanh nghiệp xuất khẩu livestream quảng bá hình ảnh sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, trong những tháng cuối năm 2023, để hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hiệu quả, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục triển khai đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại, với nhiều hình thức như: tổ chức hội chợ, phiên chợ, tuần hàng, lễ hội quảng bá lồng ghép với sự kiện văn hóa - du lịch lớn, nhất là chuỗi chương trình kết nối giao thương trực tiếp; tăng cường xúc tiến tiêu thụ mặt hàng nông sản mùa vụ của địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Đi liền đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng như Bộ Công Thương sẽ đồng bộ giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu nông sản có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Đồng thời, tận dụng cơ hội của mặt hàng có lợi thế như gạo, rau quả... để bù đắp lại mặt hàng còn gặp khó khăn.
Bộ Công Thương hy vọng với các giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng tốc xuất khẩu mặt hàng chủ lực sẽ góp phần khơi thông thị trường đầu ra cho nông sản Việt Nam những tháng cuối năm.