Hàng Việt ngày càng gắn bó với cuộc sống của người dân vùng cao
Nhiều năm gần đây, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan toả và có sức hút đặc biệt với đồng bào vùng cao. Người dân nơi đây ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước sản xuất có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Hàng Việt luôn là sự lựa chọn sáng suốt trong cuộc sống thường ngày của người dân vùng cao, bởi giá thành hợp lý, tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Sử dụng hàng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước
Mới đây, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hội nghị đã giúp hàng trăm đại biểu là các cán bộ mặt trận tổ quốc, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng xóm, thành viên ban công tác mặt trận cơ sở xóm và người có uy tín trên địa bàn hiểu thêm về Cuộc vận động, từ đó, tuyên truyền tiếp cho đồng bào ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Là một trong những địa phương có nhiều cố gắng trong việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, dù còn nhiều khó khăn, song từ năm 2015 đến nay, Đăk Lăk đã tổ chức trên 140 lượt hội chợ triển lãm, trong đó, có nhiều hội chợ triển lãm nổi bật về chuyên ngành cà phê, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hội chợ triển lãm Công Thương khu vực Miền trung Tây Nguyên, hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP... Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại địa phương, với18 phiên chợ và 43 đợt đưa hàng Việt về nông thôn miền núi. Kết quả, nhiều sản phẩm hàng Việt không những đã chinh phục người tiêu dùng mà còn là niềm tự hào đối với hàng hoá sản xuất trong nước.
Còn tại Sơn La, bà Giàng Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, các sở, ngành đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn cho 7 doanh nghiệp, HTX, nâng tổng chuỗi được xác nhận lên 245 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản toàn tỉnh về rau, quả, cà phê, chè, mật ong, gạo, thịt lợn, gà an toàn, thủy sản, thịt hun khói, chế biến nông sản… Xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Sơn La; tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm.
Bà Giàng Thị Hương nhận định, Cuộc vận động đang có sức lan tỏa, tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người dân, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó, tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt; coi việc sử dụng hàng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước.
Điểm bán hàng Việt Nam tại Hà Giang
Chia sẻ với vai trò vừa là một người tiêu dùng, vừa là người kinh doanh tạp hoá, anh Sùng A Pó, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, cách đây hơn 15 năm, hàng hóa sản xuất trong nước chỉ chiếm gần 40%, còn lại là hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Nhưng từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì đồng bào đã tiếp cận, sử dụng nhiều hàng hóa trong nước, nhận thấy chất lượng tốt, giá thành phù hợp, an toàn với sức khỏe. Hàng hóa trong gia đình tôi hiện nay gần 100% là hàng Việt Nam, được nhập từ các nhà phân phối uy tín trong tỉnh, từng sản phẩm được ghi đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.
Góp phần nâng cao kiến thức tiêu dùng của đồng bào vùng cao
Cho đến nay, Điểm bán hàng Việt Nam được đánh giá là một điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch. Các điểm này gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Chương trình bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác tại địa phương.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp khi tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp; khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu tại chỗ vẫn còn mỏng, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng với giá bán cạnh tranh.
Tiêu chí hàng đầu là hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... được thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10-15% sau khi được hỗ trợ.
Điểm bán hàng Việt Nam tại Tuyên Quang
Để tổ chức thành công các Điểm bán hàng Việt Nam, luôn có sự phối hợp chặt chẻ đồng bộ giữa Sở Công Thương, Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và đoàn thể xã hội. Điểm bán hàng đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế gặp gỡ, liên kết hợp tác đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu, phát triển kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và là tiền đề để các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư dây chuyền máy móc theo công nghệ hiện đại, thiết lập mối kinh doanh, sản xuất tại thị trường miền núi.
Với đồng bào vùng cao, miền núi, các Điểm bán hàng Việt Nam đã phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ cho người dân. Tại đây, người dân tham quan, tiếp cận mua sắm những mặt hàng Việt Nam sản xuất với chất lượng cao, giá cả phù hợp, góp phần bình ổn thị trường nông thôn, miền núi. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng ngoại nhập và đưa ra lựa chọn đúng đắn, phù hợp.
Hàng Việt đến với đồng bào vùng cao, miền núi thông qua các Điểm bán hàng Việt Nam đã góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng nơi đây, từ đó, nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân trên địa bàn về chất lượng hàng hóa, tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sức lan toả của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".