Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản ứng phó sự cố chất thải
Triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 – 2030, UBND nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2030 để cụ thể hóa mục tiêu chiến lược của Kế hoạch quốc gia.
TP. HCM xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp
Nhằm chủ động ứng phó sự với cố chất thải trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo đời sống cho nhân dân quanh các khu vực có nguy cơ cao về sự cố môi trường, ngày 26/02/2024, UBND TP. HCM đã ban hành Kế hoạch số 888/KH-UBND về Ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn.
Theo UBND TP. HCM, trên địa bàn thành phố có những khu vực có nguy cơ cao về sự cố môi trường, tập trung trong các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), các bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý nước thải tập trung. Hiện 17 KCX, KCN đang hoạt động với diện tích đất cho thuê 1.964 ha/2.539,06 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 77%.
Để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, thành phố có kế hoạch và phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại 17 KCX, KCN nêu trên. Trong đó, có 04 đơn vị có xây dựng hồ sự cố là: KCN Lê Minh Xuân xây dựng 01 hồ sự cố với dung tích 1.500 m3; KCN Đông Nam xây dựng 01 hồ sự cố cho hệ thống xử lý nước thải tập trung có tổng thể tích chứa nước thải hữu dụng 16.800 m3; KCN Hiệp Phước (giai đoạn 1) xây dựng hồ sự cố 6.000 m3; KCN Lê Minh Xuân 3 xây dựng hồ sự cố 16.812 m3.
TP. HCM đã xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố cao.
Bắc Kạn xây dựng kịch bản ứng phó với từng loại sự cố
Tháng 3 năm 2024, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.
Với tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải; tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.
UBND nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2030
Về biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, tổ chức quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động kịp thời sự cố chất thải trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cấp, các ngành và cộng đồng. Tăng cường chế độ ứng trực, chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá, kết luận, xác định phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật.
Thiết lập Sở chỉ huy ứng phó, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh tại trụ sở UBND tỉnh, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn...
Kế hoạch đã đề ra các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn quản lý. Triển khai Kế hoạch sẽ giúp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Tây Ninh: Chủ động ứng phó với sự cố chất thải
Để chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố phát sinh do chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kịp thời phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc ứng phó sự cố chất thải, cuối tháng 2/2024, UBND tỉnh Tây Ninh vừa thống nhất thông qua Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của các sự cố môi trường đến con người, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, qua rà soát, địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, khu chế xuất; 18 cơ sở dệt nhuộm; 7 cơ sở gia công, sản xuất da giày; 4 cơ sở sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; 3 cơ sở sản xuất pin, ắc quy chì, 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 22 nhà máy chế biến cao su, 2 nhà máy chế biến đường, 1 nhà máy sản xuất xi măng, 4 nhà máy luyện cán kéo thép; 4 nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại; 2 nhà máy sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; có 52/696 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Tây Ninh đã giao cho 19 Sở, Ban ngành, địa phương tổ chức huy động lực lượng thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả khi có sự cố về chất thải; hướng dẫn, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trong phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó, khắc phục sự cố chất thải và bảo vệ môi trường; điều động lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các đơn vị có liên quan, sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh.
UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố chất thải nghiêm trọng. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh luôn rà soát, kiện toàn bộ máy, lực lượng ứng phó các sự cố, đầu tư trang, thiết bị nhằm kịp thời ứng phó các sự cố về thiên tai, lũ lụt, cháy, nổ... trên địa bàn. Nhìn chung, khả năng ứng phó của tỉnh đến thời điểm hiện tại đạt yêu cầu.
Vĩnh Yên xây dựng lực lượng chuyên trách tại khu công nghiệp
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác ứng phó sự cố chất thải, UBND thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn giai đoạn 2023-2030.
Với tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”, Kế hoạch thực hiện ứng phó theo nguyên tắc, tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải. Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động.
Hiện nay, tại khu Công nghiệp Khai Quang thành phố Vĩnh Yên có 07 doanh nghiệp hoạt động có phát sinh chất thải theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra sự cố chất thải gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và môi trường xung quanh.
Để ứng phó, xử lý nhanh sự cố chất thải trên địa bàn, Thành phố đã xây dựng lực lượng chuyên trách tại khu công nghiệp Khai Quang gồm 12 người, trang bị phương tiện phục vụ như xe tải, xe téc, xe ca, xe cứu thương, xe cứu hộ đa năng, quần áo phòng da, phòng độc... Hàng năm tiến hành đánh giá nguy cơ ô nhiễm chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí để có thể điều chỉnh kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, xử lý các tình huống một cách hiệu quả.
Ngày 23/02/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030. |