A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội từ RCEP để tăng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản

Trong số các thị trường RCEP, Nhật Bản là thị trường trọng điểm có ý nghĩa quan trọng và gắn kết chặt chẽ với Việt Nam. Do đó, tận dụng cơ hội từ RCEP để tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế rào cản thương mại là mục tiêu rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam.

Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư lớn thứ 3, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD; năm 2023 đạt 44,98 tỷ USD; 10 tháng năm 2024 đạt 38,1 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp (FDI), tính đến tháng 10/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với 5.456 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 77,37 tỷ USD. Đặc biệt, Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yen (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, nhìn chung sản phẩm hải sản, nông sản, hoa quả của Việt Nam mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu Nhật Bản nên còn nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu có thể xâm nhập. Tuy nhiên, mặt hàng nông sản tươi sống xuất khẩu vào Nhật Bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn như giá cao, thời gian vận chuyển lâu nên khó đảm bảo độ tươi ngon.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý, nông sản tươi sống hoặc qua chế biến xuất khẩu cần phù hợp với tiêu chuẩn, quy định trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Hơn nữa, người Nhật cũng rất chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng của sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị hiếu từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm và nâng cao chất lượng, giảm giá thành.

Tính đến tháng 10/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Việt Nam và Nhật Bản đểu hưởng lợi nhiều từ các FTA song phương và đa phương mà hai bên tham gia, nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại... 

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản là những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại…

Ngoài ra Việt Nam đang tích cực hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI Nhật Bản (Toyota, Canon, Panasonic...) triển khai các Chương trình/Dự án tìm kiếm, phát triển nhà cung cấp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa; thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản.

Trước đó, tại buổi làm việc với ông Shindo Yoshitaka, Bộ trưởng phụ trách Hiệp định CPTPP của Nhật Bản nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Nhật Bản xem xét, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời đề nghị Nhật Bản nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp của Việt Nam tận dụng hiệu quả các cam kết của các FTA mà hai nước cùng là thành viên nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương, tương xứng với tiềm năng.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website