A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lưu ý khi tiếp cận thông tin thị trường Anh

UKVFTA đã mở ra những cánh cửa mới cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong việc thâm nhập thị trường Anh. Vì vậy, nhu cầu về thông tin thị trường cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Từ khi Việt Nam và Vương quốc Anh có Hiệp định UKVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực quan tâm đến thị trường này và tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, từ các cơ quan nhà nước như Cục Xúc tiến Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh; cơ quan báo chí đến các tổ chức xã hội như Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam tại Anh.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm và phân tích thông tin một cách hệ thống và hiệu quả vẫn còn là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường – cựu Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh cho hay, một trong những hạn chế lớn là việc thiếu kiến thức về các nguồn thông tin nước ngoài. Mặc dù có nhiều cơ sở dữ liệu trực tuyến cung cấp thông tin chi tiết về thị trường Anh, như trang web của Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh hay cơ sở dữ liệu của Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu từ các nước đang phát triển của Bộ Ngoại giao Hà Lan, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách tận dụng hiệu quả những nguồn này.

Một nguồn thông tin quan trọng khác mà doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ qua là trang thông tin companieshouse.gov.uk. Đây là nơi lưu trữ thông tin về tất cả các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Anh. Thông qua trang web này, doanh nghiệp có thể tìm hiểu về đối tác tiềm năng, kiểm tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp đó, và từ đó đưa ra những quyết định hợp tác đúng đắn.

“Việc đầu tiên cần làm là truy cập trang này để xác minh xem đối tác mình đang giao dịch: thứ nhất, có đăng ký không, có tồn tại không; thứ hai, có đang hoạt động không; thứ ba, người đang giao dịch với mình có phải là giám đốc hay người có thẩm quyền để giao dịch với mình hay không”- ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ và cho biết đã từng chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam vì không theo sát thay đổi của đối tác, xuyên suốt mười năm làm việc cùng tương đối thuận buồm xuôi gió nhưng không biết tình hình sức khỏe tài chính của bạn hàng Anh đã có thay đổi, vẫn làm, vẫn tin tưởng, vẫn cho bạn hàng của mình trả chậm, thậm chí cho giao hàng trước trả tiền sau mà không biết rằng đối tác mấy năm qua của mình đang sắp sửa phá sản rồi.

Hay người giám đốc mình quen biết 10 năm qua đã bị mất chức rồi mà vẫn tiếp tục làm như mọi khi, để tự đưa mình vào tình thế tổn thất rất lớn và rủi ro rất cao.

Không nên coi nhẹ việc kiểm tra tình trạng tài chính của khách hàng, đối tác, kể cả khách hàng, đối tác truyền thống để không đưa mình vào những tình huống rủi ro và tổn thất lớn”- ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Anh thời gian qua thể hiện rõ nét năng lực cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng dư địa thị trường và các ưu đãi từ Hiệp định mang lại. Hiện nhiều mặt hàng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị trường Anh, điển hình như dệt may, giày dép, thủy sản… điện tử dân dụng, thiết bị phụ tùng và có nhiều mặt hàng đang có triển vọng tăng trưởng là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắt thép.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tận dụng khá tốt những lợi thế, ưu đãi Hiệp định này mang lại. Đáng chú ý, Hiệp định UKVFTA đã giúp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng ổn định trong giai đoạn kinh tế toàn cầu và kinh tế Anh gặp nhiều khó khăn, biến động do đại dịch Covid-19 và giai đoạn hậu đại dịch.


Tác giả: Tuyết Mai

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website