Quy tắc cộng gộp xuất xứ là điểm sáng của RCEP trong lĩnh vực thương mại hàng hóa
Theo các quy định liên quan của quy tắc cộng gộp xuất xứ, các nước thành viên RCEP khác sẽ có chứng nhận xuất xứ RCEP nếu hàm lượng giá trị khu vực tích lũy đạt 40% và dễ nhận được hưởng ưu đãi thuế quan hơn. Quy định này được đánh giá là điểm sáng của RCEP trong lĩnh vực thương mại hàng hóa.
Quy tắc cộng gộp xuất xứ làm cho quá trình sản xuất hàng hóa trung gian mở rộng hơn nữa; có lợi cho việc tăng cường chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực; các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tự khắc phục tình trạng khó khăn về giá trị gia tăng hạn chế, dễ đạt đến tiêu chuẩn xuất xứ hơn và mở rộng tốt hơn thương mại trong nội khối.
Nguyên tắc cộng gộp trong Hiệp định RCEP được quy định tại Điều 7 Thông tư số 05/2022/TT-BCT, cho phép các nước trong khối RCEP coi nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên khác là nguyên liệu có xuất xứ khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra hàng hóa. 100% trị giá của nguyên liệu có xuất xứ này được tính đến khi xét xuất xứ RCEP của hàng hóa xuất khẩu.
Chẳng hạn, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, Úc, Nhật Bản... (có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa RCEP nhập khẩu kèm theo), các nguyên liệu này được coi là có xuất xứ và được cộng gộp khi xét xuất xứ RCEP đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để cấp C/O mẫu RCEP.
Theo quy tắc cộng gộp xuất xứ của RCEP, khi hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP khác, hàng hóa trung gian của nhiều nước thành viên đều có thể được tính vào tiêu chuẩn giá trị gia tăng và cuối cùng cộng lại sẽ đạt được một tỷ lệ nhất định, đều được tính là xuất xứ trong khu vực. Điều này không chỉ có thể mở rộng thương mại giữa các thành viên RCEP, mà còn thúc đẩy hội nhập và phát triển sâu rộng của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực.
Cơ quan, tổ chức cấp C/O của Việt Nam xem xét cấp C/O mẫu RCEP sang các nước thành viên RCEP kể từ ngày 04 tháng 4 năm 2022 khi Thông tư số 05/2022/TT-BCT có hiệu lực.
(Ảnh minh hoạ)
Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước thành viên RCEP, các cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho hàng hóa xuất khẩu. Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu RCEP của Việt Nam được cập nhật trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ https://ecosys.gov.vn
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên RCEP, cơ quan hải quan Việt Nam xem xét chấp nhận C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện của các nước thành viên này.
Khi xuất khẩu hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ RCEP từ Việt Nam sang các nước thành viên có áp dụng điều khoản khác biệt thuế, cần xác định nước xuất xứ RCEP để biết mức thuế nhập khẩu ưu đãi được hưởng.
Trước tiên, doanh nghiệp tra cứu xem hàng hóa có thuộc danh mục các mặt hàng áp dụng khác biệt thuế của các nước RCEP quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 05/2022/TT-BCT.
Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục này và đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 05/2022/TT-BCT, nước xuất xứ RCEP chính là nước thành viên xuất khẩu.
Trường hợp hàng hóa thuộc diện khác biệt thuế nhưng không thuộc Phụ lục IV nói trên, cách xác định nước xuất xứ RCEP thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 05/2022/TT-BCT.