Đa dạng hóa kênh xúc tiến thương mại, tăng nhận diện sản phẩm OCOP
Để phủ sóng thương hiệu của các sản phẩm OCOP ở thị trường trong và ngoài nước, theo định hướng của nhu cầu tiêu dùng hiện đại, công tác xúc tiến thương mại phải dựa trên cơ sở đa kênh chứ không chỉ tập trung vào một kênh cụ thể.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tính đến giữa tháng 12/2023 cả nước có 11.054 sản phẩm OCOP. Trong số đó có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao và gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao và đặc biệt là có 42 sản phẩm được chính thức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và còn lại là các sản phẩm có tiềm năng 5 sao.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP. Danh mục các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu và giá bán ngay cả vào những thời điểm khó khăn vì dịch bệnh; góp phần cải thiện thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân thành thị, nông thôn, các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng theo Bộ Công Thương, những năm qua, các điểm bán sản phẩm OCOP đã được phát triển rất mạnh, không chỉ thuần túy qua kênh truyền thống mà còn qua hệ thống phân phối hiện đại như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Winmart, Winmart+… các chuỗi bán hàng tiện lợi, các chuỗi bán sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ...
Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, song Bộ Công Thương cho rằng việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP đang còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế...
Trong thời gian tới, để tăng sự hiện diện của các sản phẩm thương hiệu OCOP, Bộ Công Thương cho rằng, cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
“Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân” – Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Cùng đó, theo Bộ Công Thương, bên cạnh những điểm phân phối truyền thống, việc xúc tiến thương mại ở trên hệ thống các kênh thương mại điện tử cũng cần được chú trọng đẩy mạnh từ sớm và xây có những kế hoạch vụ thể, bài bản. Liên quan đến nội dung này, năm 2023, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các Bộ, ngành, cùng các sản thương mại điện tử như Voso, Posmart, Lazada, Shopee để xúc tiến các sản phẩm OCOP trên nền tảng online.
Đáng lưu ý, trong năm 2023, ngoài việc xúc tiến tiêu thụ trong nước,ngành Công Thương cũng đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra các thị trường ngoài nước, thông qua việc phối hợp với các cơ quan Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước, các Đại sứ quán tổ chức các Tuần hàng Việt hay các sự kiện quảng bá giới thiệu hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm chè Suối Giàng đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… tức là đã có “giấy thông hành” đi ra được 26 nước trên thế giới.
Ngoài những kênh thương mại truyền thống, sản phẩm chè Suối Giàng đã tìm được lối đi riêng để tiêu thụ sản phẩm như đưa vào các khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay... Bên cạnh đó chè Suối Giàng cũng tham gia các hệ thống sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba.com và Amazon, dù chưa xuất khẩu được nhiều nhưng đây cũng là một kênh tiêu thụ tiềm năng.