Đưa hàng Việt "đi khắp muôn nơi" thông qua các chương trình xúc tiến thương mại
Để hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận, tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị, hội thảo kết hợp với trưng bày, giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản trên nền tảng số kết hợp phương thức truyền thống. Để kết nối, xây dựng kênh bán hàng điện tử, ngành Công Thương xác định việc đẩy mạnh số hóa là nhiệm vụ có tính đột phá, cần triển khai quyết liệt.
Tuần hàng Xoài Đồng Tháp diễn ra từ ngày 22/4 nằm trong hoạt động mở màn cho "Lễ hội xoài Đồng Tháp 2023" sẽ diễn ra từ 28/4 đến 1/5, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tại địa bàn để quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm xoài đến người tiêu dùng. Đây là dịp mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước, thông qua các kênh trực tiếp kết hợp tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.
Trong những ngày này, các siêu thị đã trưng bày các loại xoài, như Cát Chu, Chu Vàng, Hòa Lộc, da xanh giống Đài Loan... Hiện xoài cũng được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại của Saigon Co.Op, Tập Đoàn Central Retail tại Việt Nam, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh.
Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam khai trương Tuần hàng Xoài Đồng Tháp vào chiều 21/4, kéo dài đến 7/5/2023. Theo đại diện doanh nghiệp này, với mục tiêu chia sẻ cùng các hộ nông dân trong việc bình ổn giá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trái cây sạch, thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp, Mega Market Việt Nam cam kết tiêu thụ khoảng 150 tấn cho 5 sản phẩm xoài chủ lực, bao gồm xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu vàng, xanh và xoài Tượng da xanh vàng với giá cả tốt nhất thị trường. Đồng thời, tích cực hợp tác với hơn 40 nông hộ và HTX tỉnh Đồng Tháp, nhằm đưa trái xoài, các sản phẩm làm từ xoài vào hệ thống phân phối của MM Mega Market Việt Nam.
Sở Công Thương Đồng Tháp, cho biết, sau 3 ngày đưa xoài vào các hệ thống phân phối, đã có tính hiệu rất tích cực. Hiện nay, khách hàng đến các siêu thị mua xoài của Đồng Tháp rất đông. Đó là nhờ chính sách của các nhà phân phối, chất lượng xoài ngon và nhiều yếu tố khác nữa. Riêng tại Đồng Tháp, Sở Công thương chuẩn bị 25 tấn xoài cho Tuần hàng Xoài Đồng Tháp tuy nhiên, số lượng này chắc không đáp ứng đủ. Điều này đã cho thấy tín hiệu vui, một hướng mới để nâng cao vị thế xoài Đồng Tháp.
Mấy năm gần đây, nhờ tham gia các hội chợ thương mại; triển khai chương trình quảng bá sản phẩm một cách bài bản, sản phẩm gạo Minh Hương đã có những bước tiếp cận với nhiều khách hàng phương xa. Tại Lễ hội Thành Tuyên hàng năm, xã Minh Hương cung cấp 3-5 tạ gạo đặc sản và bán hết luôn trong những ngày đầu tiên. Du khách thập phương về Tuyên Quang dự hội mua về ăn ngon lại liên hệ về xã để đặt hàng.
Người dân xã Minh Hương hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng và giữ hương vị đặc trưng của gạo chất lượng quê mình. Bà con bảo nhau tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nâng tầm sản phẩm để khẳng định, xây dựng và phát triển thương hiệu. Việc sản xuất gạo chất lượng cao ở Minh Hương gần như không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ. Dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở Minh Hương được chứng kiến sự đổi thay rõ rệt của quê hương nhưng gạo ở Minh Hương vẫn giữ nguyên được hương vị thơm ngon đặc biệt, khác với bất cứ loại gạo nào ở nơi khác. Ông bảo, gạo ở đây thơm ngon như vậy là bởi hình sông, thế núi, khí hậu và chất đất được bồi đắp từ con suối bắt nguồn từ dãy núi Cham Chu. Nguồn nước suối Cham Chu tinh lọc những gì tinh túy nhất của đại ngàn, qua hàng nghìn năm kiến tạo của địa tầng đã bồi đắp cho chất lượng gạo của xã Minh Hương thêm phần giá trị, có sức hút kỳ lạ với người tiêu dùng. Sau mỗi vụ sản xuất, từng chuyến xe tư thương đổ về mua gạo như chở những mùa vui của người dân nơi này đi khắp muôn nơi…
Từ hai ví dụ cụ thể trên đã cho thấy hiệu quả từ các chương trình xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, đã và đang được Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương trong cả nước thực hiện. Bộ Công Thương đã triển khai tích cực việc lồng ghép trong tiêu thụ nông sản, kết nối để đưa vào các chương trình bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố. Đồng thời đã kết nối hàng hóa đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại, các sàn thương mại điện tử để đưa đến các thị trường khó tính ở nước ngoài.
Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kết nối, tổ chức quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ phân phối ổn định tại siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối...