Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), những năm qua, công tác xúc tiến thương mại được triển khai đa dạng, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các địa phương trong việc kết nối cung cầu tại thị trường trong nước, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo nhận định của các tổ chức, chuyên gia kinh tế quốc tế và trong nước, năm 2023 sẽ còn nhiều thách thức khó lường đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Thị trường tiếp tục có những dị biệt, cạnh tranh thương mại, đầu tư diễn biến phức tạp, bảo hộ ngày càng gia tăng,... Trong bối cảnh đó, công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2023 đã được Bộ Công thương ban hành với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Theo đó, sẽ có hàng trăm nghìn lượt doanh nghiệp được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), những năm qua, công tác xúc tiến thương mại được triển khai đa dạng, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các địa phương trong việc kết nối cung cầu tại thị trường trong nước, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Riêng trong năm 2022, nhiều chương trình xúc tiến thương mại lớn đã được tổ chức như Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, chuỗi Chương trình Kết nối giao thương cấp vùng, Hỗ trợ xúc tiến hàng Việt Nam hay sản phẩm OCOP,... giúp các nhà sản xuất, nhà cung ứng của nhiều địa phương kết nối với hệ thống phân phối, các đơn vị thu mua phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, Chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đã hướng dẫn cho hàng nghìn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm phát triển đa dạng kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại cũng như kênh phân phối số.
Hàng loạt hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nâng cao năng lực bằng việc cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, tư vấn chính sách tham gia thị trường thế giới qua các chương trình giao ban xúc tiến thương mại với cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hằng tháng, Chương trình Tư vấn xuất khẩu trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Ghi nhận hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thời gian qua, nhưng Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải lưu ý, năm 2023, tình hình sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, công tác xúc tiến thương mại, xuất khẩu cần cụ thể hơn vào từng thị trường, tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, nhất là khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam; tiếp tục mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc trực tiếp.
Cục trưởng Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai ngay từ đầu năm 2023, tập trung vào chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ nhằm tránh tình trạng ùn ứ hay “được mùa mất giá”. Riêng với Trung Quốc, nhằm đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản khi nước này đã mở cửa trở lại, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ chính ngạch để tận dụng cơ hội xuất khẩu hiệu quả.
Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Thương mại quốc tế (ITC) về vai trò của xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu của các quốc gia, mỗi 1 USD chi cho hoạt động xúc tiến sẽ giúp tăng thêm 87 USD giá trị xuất khẩu và 384 USD đóng góp vào GDP. Trong khi đó, đầu tư ngân sách cho xúc tiến thương mại ở Việt Nam còn hạn chế, chưa tương xứng với hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, năm 2012, kinh phí cấp cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia khoảng 93 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD. Năm 2022 vừa qua, sau 10 năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 372 tỷ USD (tăng hơn 320% so năm 2012), kinh phí dành cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia mặc dù có tăng dần qua các năm, nhưng cũng chỉ ở khoảng 136 tỷ đồng/năm (tương đương 5,7 triệu USD). So sánh với các quốc gia khác, nguồn kinh phí này cũng rất thấp, chỉ bằng 8% của Thái Lan (năm 2022 đạt khoảng 74,6 triệu USD) hay 1,2% của Hàn Quốc (330 triệu USD),...
Theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, chính vì kinh phí hạn chế, cho nên quy mô hoạt động của Việt Nam tại các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế thường rất nhỏ bé so các nước trong khu vực và trên thế giới, khiến việc quảng bá hình ảnh quốc gia, ngành hàng, sản phẩm trong nước không đạt như kỳ vọng.
Hiện nay, năng lực cung ứng hàng hóa và năng lực thích ứng thị trường của doanh nghiệp đã được cải thiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang dần khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế cho nên cũng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh ngành hàng, sản phẩm để giữ vững và phát triển thị trường cũng như tăng kim ngạch xuất khẩu.
Cục Xúc tiến thương mại đề xuất lãnh đạo Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ xem xét, giao Bộ Tài chính nghiên cứu, sắp xếp, bổ sung nguồn kinh phí cho Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, có chiều sâu; xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam là nước xuất khẩu có uy tín, tầm cỡ tại các sự kiện quốc tế.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần phối hợp, hỗ trợ Bộ Công thương mở rộng mạng lưới thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại, bổ sung cơ sở vật chất, kinh phí cho hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu. Tại các địa phương, cần hướng dẫn để thống nhất về tổ chức bộ máy, chức năng của mạng lưới cơ quan xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả trong phối hợp, triển khai và chỉ đạo các hoạt động xúc tiến.