Nhiều dư địa để thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại tại thị trường Ả- rập Xê-út
Với nhu cầu về nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp và vật liệu xây dựng tăng cao, Ả-rập Xê-út là một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu
Việt Nam và Ả-rập Xê-út là hai nền kinh tế phát triển năng động ở hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, đều đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia không ngừng được củng cố và phát triển kể từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 10/1999).
Trong 25 năm qua, Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã xây dựng mối quan hệ bền chặt, trở thành những đối tác khu vực quan trọng của nhau. Ả-rập Xê-út là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Ả-rập Xê-út là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước thời gian qua phát triển tích cực.
Tính đến hết quý III/2024, tổng trao đổi thương mại song phương đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt xấp xỉ 1,18 tỷ USD, tăng 39% và nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, giảm 13,6%.
Từ thị trường nước sở tại, Bí thư thứ nhất, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Trần Trọng Kim cũng cho biết, thị trường Ả-rập Xê-út có nhu cầu nhập khẩu lượng hàng hàng nông sản, rau và quả tươi, trong đó có gạo. Hàng năm Ả-rập Xê-út nhập khoảng 1,7 triệu tấn gạo, nhưng hiện nay, mỗi năm Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 35,000 tấn gạo vào thị trường này, do đó, tiềm năng thị trường còn rất lớn. Chưa kể, các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út muốn nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam chứ không phải qua bên thứ ba để giảm chi phí, giá thành.
Cùng với mặt hàng gạo, Ả-rập Xê-út cũng tiêu thụ rất nhiều loại rau, củ, quả tươi được nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Úc, Jordan, Yemen, một phần nhỏ từ Việt Nam (như: chanh leo, chanh không hạt, bưởi da xanh, thanh long, ổi, dừa tươi, mỳ gói...)... Những mặt hàng này chủ yếu xuất qua đường Cargo hàng không.
Ngoài ra, người tiêu dùng tại Ả-rập Xê-út cũng ưa chuộng các loại cà phê, hạt, gia vị, hải sản tươi (như tôm, cá, mực và cá ngừ đóng hộp)... từ thị trường Việt Nam.
Theo ông Trần Trọng Kim, thị trường Ả-rập Xê-út có nhu cầu rất lớn đối với nông sản, thủy sản và thực phẩm Halal, điều này giúp Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Các sản phẩm từ Việt Nam như gạo, tiêu, và hải sản đã và đang được tiêu thụ mạnh tại đây.
"Với nhu cầu về nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp và vật liệu xây dựng tăng cao, Ả-rập Xê-út là một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam"- ông Trần Trọng Kim nhấn mạnh.
Cần định vị thương hiệu hàng hóa tại Ả rập Xê út
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong quan hệ hợp tác, song hiện nay tăng trưởng thương mại song phương giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Hiện tại, đầu tư của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi khả năng và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út rất hùng mạnh, mà Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh.
Chỉ ra những thách thức trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Ả-rập Xê-út, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho biết, trước hết, đó là sự khác biệt về văn hóa kinh doanh và pháp lý. Ả-rập Xê-út cũng có quy định nghiêm ngặt và yêu cầu rõ ràng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo thách thức cho các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường. Đặc biệt, các lĩnh vực có yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cấp quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng.
Thứ hai, thị trường Ả-rập Xê-út thích các thương hiệu nổi tiếng trong khi hàng Việt Nam chưa có nhiều và thương hiệu còn mờ nhạt.
“Việc xây dựng thương hiệu riêng là rất quan trọng, vừa để định vị thương hiệu hàng hóa Việt Nam, vừa từng bước chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng nước sở tại” - ông Trần Trọng Kim nhận định và khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp để thử nghiệm thị trường song song với việc sản xuất theo thương hiệu của khách hàng.
Đáng chú ý, Thương vụ cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong cung cấp nông sản và thực phẩm Halal phù hợp với nhu cầu tiêu dùng tại Trung Đông nói chung và Ả-rập Xê-út Đối với các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, mỹ phẩm cần có chứng chỉ Halal. Đối với các sản phẩm khác cần có chứng nhận, chứng chỉ quản lý chất lượng SASO, hoặc chứng nhận của tổ chức tiêu chuẩn Vùng Vịnh GSO.
Xu thế hiện nay, Ả-rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giáo cao và đang có nhu cầu trong trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Cũng theo Thương vụ, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã phối hợp chặt chẽ với các Phòng thương mại địa phương, các chuỗi siêu thị lớn như: Lulu, Carrefour, Al Othaim, kết nối thường xuyên với các nhà nhập khẩu sở tại để quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam. Hoạt động này đã được Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Riyadh thực hiện thường xuyên từ tháng 4/2021 đến nay góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út tăng 61% (xấp xỉ 1,2 tỷ USD) trong năm 2023 so với cùng kỳ.
Tính đến tháng 5/2024, Thương vụ Việt Nam đã tổ chức diễn đàn doanh nghiệp và trưng bày sản phẩm xuất khẩu của ta đến 9/13 vùng của Ả-rập Xê-út, góp phần không nhỏ vào sự hiện hiện ngày càng nhiều mặt hàng “Made in Vietnam” tại thị trường.