A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương hiệu quốc gia và câu chuyện giữ gìn giá trị

Việt Nam đã có nhiều thương hiệu quốc gia đạt tầm “quốc dân”, song qua thời gian phát triển, có những thương hiệu tiếp tục tìm được hướng đi, nhưng có những thương hiệu đã lùi vào dĩ vãng.

Khoá Việt Tiệp vẫn giữ vững vị thế sau hơn 50 năm hoạt động trên thị trường

Thăng trầm thương hiệu Việt

Là niềm tự hào của ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô Hà Nội, đã từng có thời điểm, mỗi gia đình Việt đều sở hữu ít nhất một sản phẩm khóa Việt – Tiệp. Rẻ, an toàn, đặc biệt là bền vô địch, khóa Việt Tiệp xứng đáng được vinh danh “khóa quốc dân” khi người người, nhà nhà ưa chuộng. Từ xí nghiệp dưới chế độ bao cấp những năm 70, Khóa Việt-Tiệp từng bước phá vỡ rào cản cạnh tranh và trở thành doanh nghiệp hàng đầu ngành khóa.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới và hội nhập đất nước sâu rộng cùng với sức ì trong tư duy và việc chậm đổi mới đã khiến có thời gian hàng loạt sản phẩm của Việt Tiệp như khóa dây xe đạp, khóa treo bấm đơn giản… phải “đắp chiếu” vì không tiêu thụ được, nhiều lao động phải thay nhau nghỉ việc, đời sống vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Xí nghiệp Khóa Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Khóa Việt  - Tiệp) quyết định phải đổi mới sản phẩm, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Đây được đánh giá là bước đi táo bạo và cũng không ít khó khăn khi bộ máy của Việt Tiệp và những con người của Việt Tiệp thời điểm đó là bộ máy và con người của thế hệ cũ, với sức ì và tư duy ngại thay đổi. Song, hiểu được rằng “thay đổi hoặc là chết”, quyết tâm phải đổi mới để cứu lại thương hiệu khóa đã gắn liền với ký ức của người dân Thủ đô, năm 2011, đề xuất chủ trương đổi mới khoa học công nghệ, mở rộng thị trường đã trở thành bước đột phá đưa thương hiệu khóa Việt - Tiệp lên tầm cao mới.

Sau qúa trình gian nan đó, đến nay, Khoá Việt Tiệp vẫn giữ vững vị thế trên thị trường là một thương hiệu khoá quốc dân. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, trên hành trình nửa thế kỷ qua, Khóa Việt - Tiệp đã không ngừng đổi mới vươn lên sở hữu và làm chủ những công nghệ cao trong sản xuất khóa cơ khí nói chung và khóa điện tử nói riêng, đồng thời bắt kịp với những xu hướng mới của thời đại. Hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất được nâng cấp và đầu tư đổi mới với công nghệ nhập khẩu từ Nhật Bản, Séc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Các sản phẩm liên tục được cập nhật công nghệ mới, đa dạng từ mẫu mã, màu sắc, chất liệu... Với năng suất hơn 24 triệu sản phẩm/năm, sản phẩm Khóa Việt - Tiệp hiện chiếm tới 65% thị phần cả nước.

Không dừng lại ở việc tạo ra những sản phẩm tốt, Khóa Việt - Tiệp chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điển hình như sản phẩm khóa điện tử INNOVITI được ứng dụng công nghệ cao, an toàn và tiện lợi. Đến thời điểm hiện tại, Khóa Việt-Tiệp đã sản xuất ra thị trường hơn 300 mẫu sản phẩm khóa và phụ kiện cửa các loại.

Hiện, hệ thống bán hàng của Việt-Tiệp trải rộng khắp cả nước với hơn 200 đại lý phân phối, trên 8.000 cửa hàng bán lẻ và 5 chi nhánh. Không chỉ xây dựng vị thế vững chắc tại thị trường trong nước, từ nhiều năm qua, các sản phẩm Khóa Việt-Tiệp đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như Cuba, Nga, Nam Phi, Lào, Campuchia, Thái Lan, Canada…

Một thương hiệu khác là COLUSA – Miliket cũng đang nỗ lực chiếm lĩnh thị trường từ các “đại gia” thực phẩm nước ngoài. Từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024, chỉ trong vòng 6 tháng, COLUSA – Miliket đã lần lượt thông báo đến người tiêu dùng những chiến dịch quảng bá ấn tượng: Đồng hành cùng HOZO 2023 với vai trò Nhà tài trợ Vàng; Mời nhóm idol Kpop Tempest quay chụp review mì ăn liền và gần nhất, là đi cùng đêm nhạc khởi động cho tour lưu diễn toàn cầu năm 2024 T-OUR: Tempest Voyage tại TP Hồ Chí Minh ở cương vị Nhà đồng hành chính thức.

Lý giải cho "nước cờ chiến" mà Colusa - Miliket đã và đang trọng dụng trên hành trình chuyển mình "khoác áo mới", đại diện Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket khẳng định: "Sản phẩm Colusa - Miliket đã đi vào tiềm thức của thế hệ 5X-7X, nhưng doanh nghiệp không có điểm nhấn đặc biệt để đến với thế hệ tiếp nối. Nếu hài lòng với hiện tại, Colusa - Miliket sẽ bị lãng quên trong tương lai. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của tôi là hồi sinh thương hiệu cho thế hệ trẻ biết đến ký ức xưa".

Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng giữ được “sức bền” như khoá Việt Tiệp. Từng có những thương hiệu như kem Dạ Lan, diêm Thống Nhất... đã mãi mãi lùi về phía sau và mãi mãi trở thành một ký ức đẹp trong lòng người tiêu dùng.

Giải pháp nào để giữ gìn thương hiệu?

Nói về "yếu tố nòng cốt" để giúp các thương hiệu tồn tại và phát triển là không đơn giản vì với mỗi loại hình thương hiệu ở những cấp độ xây dựng thương hiệu khác nhau sẽ rất khác nhau. PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh – chuyên gia thương hiệu nêu quan điểm: Ở cấp độ của doanh nghiệp, sẽ bàn đến thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu cá nhân; Ở cấp độ nhóm doanh nghiệp/ngành hàng sẽ bàn đến thương hiệu tập thể của làng nghề, của hiệp hội, thương hiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý (thương hiệu sản phẩm cộng đồng) và có thể cả thương hiệu tập đoàn; Ở cấp độ địa phương/quốc gia sẽ bàn đến thương hiệu địa phương, thương hiệu điểm đến, thương hiệu quốc gia. Mỗi cấp độ như vậy, các yếu tố được xem là "nòng cốt" có thể sẽ rất khác nhau.

Tuy nhiên, có một điểm chung mà hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu dù ở cấp độ nào cũng phải nỗ lực, đó là thấu hiểu khách hàng, đối tác và công chúng. Khách hàng là người có thẩm quyền cao nhất để đánh giá sự thành công của một thương hiệu. Các chủ thể xây dựng thương hiệu cần có tiếp cận đúng và đủ về thương hiệu, theo đó, thương hiệu không chỉ là những dấu hiệu nhận diện và phân biệt (như tên gọi, logo…) mà quan trọng hơn nhiều là những hình ảnh, ấn tượng, cảm nhận của khách hàng và công chúng về sản phẩm và tổ chức của mình.

Không nên tách rời hoạt động xây dựng thương hiệu ra khỏi hoạt động kinh doanh, vì mỗi một tác nghiệp kinh doanh của mỗi cá nhân ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều cần phải hướng đến mục tiêu tạo dựng hình ảnh và uy tín, danh tiếng cho sản phẩm, doanh nghiệp, nghĩa là hướng đến tạo dựng thương hiệu. Việc tách rời hoạt động xây dựng thương hiệu và coi đó như là một nhóm nghiệp vụ chuyên biệt trong hoạt động của doanh nghiệp có thể sẽ dẫn đến những xung đột về nhận thức, hành động của những nhóm người khác nhau trong doanh nghiệp và hậu quả có thể là xem nhẹ hoạt động thương hiệu.  

Riêng với các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để củng cố hình ảnh thương hiệu của mình, vì thời gian công nhận đạt thương hiệu quốc gia chỉ là 2 năm cho một lần xét chọn. Thậm chí nếu trong thời gian 2 năm đó, thương hiệu đã được công nhận có những "sự cố" vi phạm tiêu chí của Chương trình thì cũng có thể bị thu hồi lại danh hiệu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, điều quan trọng hơn nhiều là sự ghi nhận và lòng tin của người tiêu dùng, vì vậy cần nỗ lực thấu hiểu khách hàng, người tiêu dùng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng. “Khi sản phẩm của doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, theo logic, khách hàng sẽ kỳ vọng nhiều hơn về nó và đương nhiên, doanh nghiệp cần nỗ lực đáp ứng các kỳ vọng đó” – PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.


Tác giả: Bảo Nhi

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website